Phòng cháy chữa cháy rừng ở Hoài Ân (Bình Định): Nhận diện nguy cơ, chủ động phòng tránh

Hoài Ân là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn, đặc biệt là diện tích rừng trồng. Cụ thể, tổng diện tích rừng tự nhiên hiện có trên 29.000 ha, rừng trồng hơn 17.000 ha và đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp hơn 14.000 ha. Nguy cơ cháy rừng xảy ra vào mùa nắng nóng hiện nay là rất lớn. Do vậy, huyện Hoài Ân (Bình Định) đang tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn.

Lực lượng bảo vệ rừng huyện Hoài Ân triển khai việc phát quang, tạo đường băng cản lửa tại một khu rừng trồng ở địa phương.

Lực lượng bảo vệ rừng huyện Hoài Ân triển khai việc phát quang, tạo đường băng cản lửa tại một khu rừng trồng ở địa phương.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng như hiện nay, những khu vực rừng ở tiểu khu 158A, 138, 130 và 139 xã Ân Tường Tây; tiểu khu 116, 127, 121 xã Ân Hữu; tiểu khu 65, 74, 83B, 92 và 93 xã Đắk Mang; tiểu khu 129, 151 xã Bok Tới,… là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Xác định phát triển rừng góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác PCCCR. Ngay từ đầu mùa khô 2019, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy và các tổ, đội BVR - PCCCR; xây dựng quy chế làm việc cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy, nhằm tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy BVR và PCCCR từ huyện đến cơ sở. Các chủ rừng (Công ty TNHH lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ và các tổ chức khác…) đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra an toàn về PCCCR ở tổ, đội; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định PCCCR theo thẩm quyền.

Đối với những diện tích rừng lớn, tập trung, dễ cháy, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã, thị trấn phải có phương án PCCCR, phải thiết kế và xây dựng đường băng trắng cản lửa. Các Ban Chỉ huy BVR của xã, thị trấn, chủ rừng căn cứ phương án PCCCR giai đoạn 2019 - 2024 đã được phê duyệt, xây dựng kế hoạch BVR - PCCCR năm 2019 trong đó cần xác định được vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; các biện pháp PCCCR; tín hiệu báo động, huy động lực lượng tham gia khi có cháy rừng xảy ra và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Ông Đinh Hồng Nhé, Chủ tịch UBND xã Đắk Mang, cho biết: “Diện tích rừng phòng hộ mà người dân trong xã nhận khoán bảo vệ rất lớn. Những năm qua, việc phòng chống, bảo vệ rất tốt nên chưa xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, năm nay thời tiết cực kỳ nắng nóng nên xã đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thường xuyên kiểm tra, canh gác rừng của mình và tuyệt đối không nhóm lửa, đốt rác hay đốt tổ ong trong diện tích rừng quản lý”.

Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, yêu cầu: Trong mùa hanh khô dễ xảy ra cháy rừng, do vậy, Ban Chỉ huy BVR các xã, chủ rừng phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện khi có cháy rừng xảy ra và triển khai ngay việc chữa cháy rừng, không để cháy lan diện rộng. Tăng cường, bố trí lực lượng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao thường trực 24/24 giờ trong thời điểm nắng nóng kéo dài (cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) để theo dõi, phát hiện sớm các vụ cháy rừng và báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ huy cấp huyện biết để chỉ đạo huy động lực lượng chữa cháy.

“Hạt Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo sớm cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của Cục Kiểm lâm; nếu có điểm cháy tiến hành kiểm tra, xác minh và báo cáo về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp báo cáo lên cấp trên; khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo, chủ động phòng ngừa”, ông Long nói.

Cùng với đó, huyện Hoài Ân cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCCR với nhiều hình thức như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Bảo vệ - phát triển rừng, nhất là cho cộng động khu dân cư sống gần rừng; in cấp phát áp phích về PCCCR, tu sửa các bảng tuyên truyền, cắm biển cấm lửa; thiết lập những điểm, chốt tạm thời tại các thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao; phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, bố trí sẵn máy móc thiết bị chữa cháy rừng tại các điểm, chốt canh gác lửa rừng tạm thời để phát hiện sớm, kịp thời dập tắt lửa rừng khi mới phát sinh. Đồng thời, huyện yêu cầu nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định về xử lý thực bì, nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra,…

Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chủ động của lực lượng kiểm lâm trong việc thực hiện các phương án PCCCR trong mùa nắng nóng, huyện Hoài Ân đang nỗ lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.

Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/phong-chay-chua-chay-rung-o-hoai-an-binh-dinh-nhan-dien-nguy-co-chu-dong-phong-tranh-1268591.html