Phong cách ứng xử ngoại giao Hồ Chí Minh

Suốt cuộc đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của nhân dân, Hồ Chí Minh đã giao thiệp với rất nhiều bạn bè trên thế giới, có những người bạn cùng chí hướng, có cả những kẻ thù, trong nhiều hoàn cảnh và trên nhiều vị thế khác nhau. Phong cách ứng xử tài tình của Người trong hoạt động đối ngoại đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như phong trao đấu tranh cho nền hòa bình chung của nhân loại.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói "sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Ảnh Tư liệu. Nguồn: bqllang.gov.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Ảnh Tư liệu. Nguồn: bqllang.gov.vn

1. Phong cách ứng xử bản lĩnh, tự tin và khôn khéo của Hồ Chí Minh để giữ vững mục tiêu đấu tranh vì độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc

Sự kiên định giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ nhưng lại hết sức mền dẻo, linh hoạt trong sách lược, khéo léo và bản lĩnh để đấu tranh ngoại giao trước kẻ thù nhằm giành, giữ và bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân Việt Nam tạo thành nét đặc sắc trong phong cách ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh. Lúc hoạt động ở Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người trả lời: "Rất giản đơn, Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn"(1). Và cả khi đứng trước kẻ thù của dân tộc Người luôn ngẩng cao đầu, tự tin và bản lĩnh. Cuối tháng 6/1922, viên toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô cho gọi Nguyễn Ái Quốc lên để dọa nạt, cảnh cáo trước những hoạt động cách mạng của Người ở Pháp. Ông ta tìm mọi cách mua chuộc Nguyễn Ái Quốc, nhưng Người đã khẳng khái đáp trả viên toàn quyền Đông Dương: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”(2). Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện khí phách bất khuất trước kẻ thù, sự kiên định với lý tưởng và thái độ ung dung, bình tĩnh của Nguyễn Ái Quốc trước tay “cáo già” thực dân. Có lẽ Anbe Xarô cũng kính trọng điều đó, nên trong chuyến đi thăm Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã mời Anbe Xarô đến dự buổi tiệc chiêu đãi, khi gặp Người ông ta phải thốt lên: “C’est vous!” (Lại là ông à!). Tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo ông”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vững nguyên tắc nhưng về sách lược Người rất khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biết mình, biết người, biết thời thế để đạt được mục tiêu cao nhất. Sau cách mạng tháng Tám 1945 chính quyền cách mạng non trẻ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải cùng lúc đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nhằm giữ vững chính quyền, phương châm của Người là: Găng nhưng không được bể...Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm. Trong gian đoạn này nắm bắt mâu thuẫn Pháp -Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử ngoại giao khôn khéo, quyết đoán, tùy vào tình hình cụ thể để đưa ra những sách lược hợp lý. Đối với quân Tưởng, bằng những kinh nghiệm của nhà hoạt động chính trị lão luyện, Người có cách ứng xử mềm mỏng, nhưng giữ vững nguyên tắc “chia ghế, không chia quyền”. Với những viên tướng như Tiêu Văn, Lư Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đến thăm, ban đầu chúng đều tỏ thái độ trịnh thượng, không ra đón nhưng qua vài lần tiếp xúc chúng đã thay đổi thái độ và trong các cuộc hội đàm, cả Lư Hán lẫn Tiêu Văn đều gọi Người là "Hồ Chủ tịch" dù lúc mới sang Việt Nam, quân Tưởng gọi Người là "Tiên sinh Hồ Chí Minh". Khi các đồng chí trong Chính phủ thắc mắc, Bác cười và giải thích: "Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế"(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo xoa dịu được quân Tưởng. Trong hồi ký của ông Nguyễn Đức Thụy Vụ phó vụ Hoa kiều Bộ ngoại giao ghi lại: Sau khi phân công các chức vụ trong chính quyền mới, Bác dặn dò: “…các chú nên dùng chữ "Tham nghị". Chức Tham nghị là chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được. Anh là tham nghị thì anh nói đúng cũng được, anh nói sai thì cũng chẳng ai thèm trách cứ và càng dễ cải chính"(6). Để đuổi Tưởng về nước Người đã chủ trương nhân nhượng với Pháp. Tại cuộc đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp do J. Sainteny đứng đầu, trước tình thế ngay lập tức không thể đòi Pháp công nhận nền độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng để đảm bảo giữ được nền độc lập mà ta vừa giành được, Người đồng ý ký kết khi Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Sainteny đã vui mừng chấp nhận. Sau này trong hồi ký, Sainteny kể lại: “Công thức Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do ông Hồ Chí Minh chọn chỉ chốc lát trước khi ký”. Kết quả là ngay sau Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), Chính phủ Pháp đã phải gián tiếp công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Pháp với tư cách thượng khách và đón tiếp với nghi lễ nhà nước cao nhất.

Ở mọi tình huống Người đều có cách phản ứng nhanh nhạy nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của dân tộc. Tháng 5/1946, Cao ủy Đông Dương Đác-giăng-li-ơ đến Hà Nội. Phía Pháp tổ chức lễ đón long trọng để phô trương thanh thế. Họ mời Bác đến dự lễ vào ngày 19/5/1946. Ngày 18, sau khi nhận giấy mời, Người cho thư ký Vũ Đình Huỳnh thông báo với các đồng chí trong Chính phủ, Trung ương và đoàn thể: Ngày 19/5 đến dự kỷ niệm sinh nhật của Bác và cử Bộ trưởng Phan Anh thay mặt Chính phủ đến dự lễ của phía Pháp. Và kết quả là tối 19/5, Cao ủy Đắc-giăng-li-ơ và Ủy viên Cộng hòa Sainteny mang hoa đến chúc mừng sinh nhật của Người. Năm 1946, tàu chở Bác từ Pháp về đi qua vùng Manta, thuộc quyền kiểm soát của nước Anh, viên hạm trưởng Pháp phải cho tàu cập bến để xin thủ tục hải quân Anh. Hiểu rõ thông lệ quốc tế, Người thấy đây là cơ hội tốt để nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, nên đã yêu cầu kéo lá cờ Việt Nam lên, nhưng viên thuyền trưởng đã thoái thác. Người đáp lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Thưa Ngài, Việt Nam dân chủ cộng hòa hiện là một nước tự do, là một thành viên trong liên bang Đông Dương… Hơn ai hết, các Ngài phải hiểu rằng, lá quốc kỳ của chúng tôi phải được kéo lên để cho người Anh và những thực dân khác ở châu Á biết sự hiện diện của nước Việt Nam ”(7). Yêu cầu của Người là rất chính đáng, dù khó chịu nhưng nhà cầm Pháp phải đồng ý. Trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về nền hòa bình bị bỏ lỡ” J. Saiteny bày tỏ tình cảm sâu sắc với Người và khẳng định “Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích thật sự, một mục đích cuối cùng, đó là Độc lập của Việt Nam”.

2. Ứng xử với phương châm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” nhằm xây dựng khối đại đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân

Bằng lời nói và việc làm cụ thể, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tấm gương tuyệt vời về tinh thần đoàn kết quốc tế “bốn phương vô sản đều là anh em”, những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với anh em, bạn bè trên thế giới là biểu hiện tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình nhân loại và tiến bộ xã hội. Trước mỗi thắng lợi cách mạng của các dân tộc, Người đều gửi thư chúc mừng và coi đó cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Đánh giá về thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Triều Tiên (1950-1953), Người khẳng định: “Kháng chiến Triều Tiên thắng lợi. Đó là thắng lợi của phe ta. Thắng lợi của anh em ta tức là thắng lợi của ta”(9). Phấn khởi trước thành tựu của nhân dân Liên Xô về xây dựng xã hội chủ nghĩa, Người đã viết: “Chúng tôi coi sự nghiệp và thành tựu của nhân dân Liên Xô báo hiệu và đảm bảo cho sự nghiệp và thành tựu của chính mình”(9). Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1955, khi nói chuyện với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, Người thân tình nói rằng: “Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”(10).

Trước những mâu thuẫn, xích mích nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa đặc biệt giữa hai nước Liên Xô và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng chung của thế giới cũng như cách mạng Việt Nam , Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lo lắng. Ngày 2/11/1960, đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế đã họp tại Mátxcơva. Tại cuộc họp này, cả Liên xô và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử khéo léo, với uy tín cao, đã kết hợp giải thích, thuyết phục và tìm cách hòa giải. Trong bài phát biểu trước hội nghị Người nhấn mạnh: “Trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Mác – Lênin trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc có một tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc…Chúng ta đều là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế. Để đánh thắng kẻ thù chung chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ”(11). Cuối cùng Người đã đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận và Tuyên bố chung của Hội nghị 81 đảng được thông qua. Không những vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khéo léo tỏ rõ lập trường quan điểm của mình. Năm 1960, ở Trung Quốc diễn Cách mạng văn hóa, Người đã thực hiện chủ trương “cách mạng văn hóa là vấn đề nội bộ Trung Quốc”. Không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối, nhưng khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông gợi ý thực hiện cách mạng văn hóa ở Việt Nam, Người đã nhã nhẵn, khéo léo từ chối: “Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hóa, chúng tôi còn làm đại cách mạng võ hóa đã”. Mao Chủ tịch tán thành: “Đúng vậy, Việt Nam không thể làm đại cách mạng văn hóa được”(12).

Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh vì quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, ứng xử của Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Người thực hiện chính sách ngoại giao “tâm công”, phân biệt rất rõ đâu là thù đâu là bạn để có những ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo về nền độc lập dân tộc. 17 giờ ngày 26/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp luật sư Max Clainville Bloncourt, Người bày tỏ nỗi lòng: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”(13). Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(14). Bác thấu hiểu được “Không có trận đánh nào “đẹp” cho dầu thắng lợi lớn”. Ngày 7/5/1964 khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danien Huynơben, Người nói: “Nhân dân Pháp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam … Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối tình cảm đó”(15), còn đối với nhân dân Mỹ Người nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ”(16).

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ đối đẳng chức vụ trong giao tiếp với các tầng lớp nhân dân trên thế giới ở những cương khác nhau, khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh sẵn sàng hòa bình vào cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ ở các dân tộc trên thế giới, kiếm sống bằng những nghề lao động rất bình dị như đầu bếp, chép tranh, cào tuyết… Năm 1913, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp cho khách sạn Carlton (Lôn Đôn – Anh), nơi đầu bếp nổi tiếng người Pháp Escoffier làm bếp trưởng. Bất kỳ khi nào nhìn thấy một khoanh bít tết lớn hay miếng thịt gà to còn chưa được đụng đến, anh lại chuyển chúng sang một chiếc đĩa sạch và gửi trở lại nhà bếp. Một lần, Escoffier hỏi Ba “Tại sao anh không vứt những thức đó vào thùng rác như những người khác?, anh Ba trả lời “Những thứ này không nên vứt đi. Ông có thể mang chúng cho người nghèo”(17). Khi trên cương vị Chủ tịch nước, tình yêu thương bao la đối với người dân lao động càng được vun đắp, Bác luôn quan tâm, gần gũi không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ và quân chúng. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, Bác đã nồng nhiệt bắt tay những người dân nghèo và trò chuyện với họ vô cùng thân thiện, gọi họ là những người bạn, người đồng chí, đây là điều hiếm thấy trong xã hội Ấn Độ khi còn tồn tại tàn dư của chế độ phân chia đẳng cấp.

Mỗi cử chỉ hành động của Người đều rất khéo léo, cẩn trọng, có thái độ và cách ứng xử phù hợp để tránh những nghi thức ngoại giao khi cần mà vẫn giữ được tình cảm chân thành đối với những người bạn, đồng chí, anh em đã từng kề vai sát cánh, giúp đỡ Người trên con đường hoạt động cách mạng. Ngày 15/12/1961, Đoàn đại biểu Trung Quốc do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta. Đoàn đại biểu sẽ đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi tới Việt Nam . Biết được điều này Người đã ôn tồn nói: “Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam , đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là bí thư chi bộ. Do đó, Bác quyết định là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn ở sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự cơm thân mật với đoàn đại biểu Trung Quốc, nhưng không công bố trên báo, vì như vậy sẽ không tiện về mặt lễ tân. Bởi lúc đó Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong mười nguyên soái của Trung Quốc. Nhưng là chỗ thân tình từ trước đến nay nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Bác không thể làm khác được”(18). Khi được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp đồng chí Diệp Kiếm Anh đã rất cảm phục trước ứng xử thấu tình đạt lý của Người. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, tại buổi mít tinh hàng vạn người ở Red Fort (Thành Đỏ), thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Người trên bục danh dự. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Jawaharlal Nerhu thì chỉ ngồi trên một chiếc ghế bình thường. Đích thân Thủ tướng Nerhu mời Bác ngồi vào chiếc ghế đó, Người đã kiên quyết từ chối. Cuối cùng Thủ tướng Nehru đành cho chuyển chiếc ghế đi và thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: "Hồ Chí Minh muôn năm!", “Hồ Chí Minh muôn năm!".

Ngay cả đối với kẻ thù khi đã buông súng đầu hàng, Hồ Chí Minh đối xử với họ rất khoan dung, độ lượng. Lòng bao dung, bác ái toát lên một cách thật tự nhiên, giản dị từ những cử chỉ, hành động của Người. Khi thăm trại tù binh trong chiến dịch Biên giới 1950, thấy một đại úy quân y Pháp đang rét run vì lạnh. Người đã cởi chiếc áo khoác của mình trao cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp cảm động trào nước mắt. Sau đó Người gọi đồng chí Cao Pha – Trưởng ban quân báo đến nhắc nhở: “Sao chú cho lột giày tù binh rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú phải cho họ đi tất chứ!”(19). Trong chuyến trao trả tù binh cuối cùng sau kháng chiến chống Pháp ngày 3/9/1954, một sĩ quan Pháp đã xúc động nói: “Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng khoan dung, đại lượng và chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi”. Nhà thơ Đức Vili Xanbao đã viết: “Trong tầm nhìn của Bác, không những cho thấy Người là nhà Quốc tế đáng kính phục mà còn là nhà văn hóa lớn, giàu tình thương yêu nhân loại”.

4. Phong cách nói giản dị, thái độ chân thành dễ cảm hóa và thuyết phục lòng người

Nhờ vốn sống phong phú, sự am hiểu tình hình thế giới, đặc biệt nhanh chóng nhận biết được ý định của người đối thoại mà Hồ Chí Minh có thể lựa chọn cách ứng xử hợp lý nhất. Người dùng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu song đầy sức thuyết phục để khơi dậy tình cảm nhân văn của người đối thoại, thuyết phục họ chấp nhận lẽ phải. Chuyến thăm chính thức Pháp năm 1946 có phóng viên đã hỏi Người: “Thưa Chủ tịch Ngài có phải là cộng sản không?”. Điềm tĩnh đi tới lẵng hoa trên bàn, Hồ Chí Minh rút ra những bông hoa đẹp nhất, đem tặng những người có mặt và nói: “Tôi là người cộng sản thế này!”(20). Không chỉ lời nói, có những hoàn cảnh, chỉ cần một hành động nhỏ của Bác cũng thấy thuyết phục lòng người. Ngày 24/3/1946, trên con tàu để đàm phán với Đô đốc Đắcgiăngliơ ở Vịnh Hạ Long, khi gặp Người đã chủ động ôm hôn Đô đốc, các đồng chí đi theo thắc mắc, Người nói: "Đánh nhau thì đánh nhau, mình hôn nó một cái thì có mất gì"(21). Ngày 12/10/1954, nhà văn Ba Lan M.Giulapxky gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn Tây. Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch. Khi nghe phóng viên báo Sự thật hỏi, Người trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên Tạp chí UNITA, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân, rồi Người vui vẻ giải thích bằng tiếng Pháp tại sao mình nói được nhiều ngôn ngữ như vậy khiến mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên, khâm phục.

Đôi lúc Người cũng diễn đạt một cách hài hước, ví von nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, sâu sắc để người nghe dễ cảm nhận. Ngày 26/7/1957, cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta với các vị đại diện nước Cộng hòa Dân chủ Đức diễn ra suốt cả ngày, ai cũng mệt mỏi và buồn ngủ. Khi phía bạn báo cáo năng suất cao của việc nuôi một loại cá chép lai giống, Bác hỏi: “Các đồng chí có loại cá không có xương không?”. “Thưa không. Ở Việt Nam có loại cá không xương hay sao?”. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto Grotewohl hỏi với vẻ ngạc nhiên. Nghiêm nét mặt Người nói: “Vâng, có”. “Thưa Chủ tịch, có thể xuất khẩu loại cá ấy cho chúng tôi được không?”. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Otto đề nghị. Người trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng”. Rồi Người kể về câu chuyện "con cá gỗ" của đồng bào xứ Nghệ. Các đại biểu được một trận cười thoải mái. Vào khoảng 22h ngày 17/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo với vợ chồng Thủ tướng Đức Ôttô và Johana trên đường phố Berlin, khi người dân nhận ra và xúm lại, vây quanh, Bác đã bắt tay từng người rồi hỏi chuyện một đôi nam nữ trẻ tuổi bằng tiếng Đức: “Các cháu có biết không, sang đến đây Bác mới biết mình là người giàu nhất nước Đức này?”, Người giơ tay chỉ và nói: “Các cửa hàng lớn đều đề tên HO là của Bác! (HO tiếng Đức là viết tắt tên cửa hàng quốc doanh)”(22). Thế là tất cả mọi người đều vỗ tay cười trước câu nói dí dỏm đó.

Người cũng hay dùng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, cô động và xúc tích nhưng thật gần gũi mà vẫn trang trọng. Bức thư gửi cụ Aivađốp, công dân Nga nhân dịp cụ mừng thọ 147 tuổi, Người chúc thọ bằng hai câu thơ lục bát:

“Một nhà sum họp trúc mai

Chữ phúc, chữ thọ, không ai sánh bằng”(23).

Hay trong buổi lễ tiễn Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ về nước ngày 16/5/1963, Người đã nói ngắn gọn, hàm xúc bằng bốn câu thơ:

“Tiễn đưa chẳng muốn chia tay,

Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng.

Cầm tay lòng lại dặn lòng,

Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác – Lê”(24)

5. Kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc và sự am tường phong tục tập quán các dân tộc trên thế giới tạo thành nghệ thuật ứng xử ngoại giao

Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ và phong tục tập quán của nhiều dân tộc cả ở phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh đã tìm được những cách xử thế hợp lòng người, hợp từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể. Phong cách ứng xử của Người cho sự thấu hiểu sâu sắc và hòa mình vào phong tục tập quán mỗi quốc gia, dân tộc một cách tự nhiên nhất. Trong bữa tiệc do Thủ tướng Nêru chiêu đãi Bác có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Người rất tinh ý đã nói với Thủ tướng Nêru: “Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch”(25).

Đặc biệt cứ mỗi lần chiêu đãi khách, khi tan tiệc Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói theo phong tục người Việt, ăn cỗ phải mang phần về cho người ở nhà nên ai cũng được nhận quà của Người. Ngày 1/1/1960, các đoàn ngoại giao và khách quốc tế tại Hà Nội đến Phủ Chủ tịch chúc tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối bữa tiệc, Người cầm một quả táo to và túi kẹo đi đến chỗ ông đại sứ Ấn Độ và hỏi: "Ngài đại sứ có đưa phu nhân sang đây không?", vị tướng ngoại giao cảm động, lúng túng trả lời chỉ đưa theo cháu trai 9 tuổi, Người nói: "Thế thì tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn", rồi Người nói với quan khách: "Tết ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà"(26). Mọi người ồ lên vui vẻ, nhưng xúc động và cảm phục sự quan tâm của Người.

Phong cách ứng xử ngoại giao là biểu hiện đạo đức và nhân cách của mỗi con người, với Hồ Chí Minh đó là sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, sự kết tinh văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây, là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam đã viết: “... qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”./.

Chú thích:

(1) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ 2011, tr52, tr.29.

(2) Ba lần đối mặt với Anbe Xarô, Nguyễn Huy Hoan.

(3) Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ. Nxb CAND, 2005 , H, tr.77.

(5) (6) Đoan Trang, Tài ngoại giao của Bác Hồ với Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch,Tuần báo Việt Nam nét, ngày 15/8/2009.

(7) (24) (25) (26) Bác Hồ với ngoại giao, Mẩu chuyện nhỏ bài học lớn, Nxb CTQG, H.2010, tr39, tr50, tr86.

(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 9, tr134.

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 7, tr131.

(10) Báo nhân dân, số 257 ngày7/11/1955.

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2010, tr723-724

(12) Theo Văn Trang trong "Nhớ Hồ Chí Minh" - Nhà xuất bản Hồng Công 2009, tr144

(13) Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế

(14) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, tập 10, tr13.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.52.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.117

(17) Kỷ niệm về Bác, NXB. Thông Tấn, Hà Nội, 2005

(18) Theo đồng chí Phạm Y, cựu chiến binh tại chiến dịch Biên Giới.

(19) “Tấm lòng Bác Hồ thật mênh mông vĩ đại”, Báo văn nghệ, số 20, ngày 15/5/2002, tr12.

(20) Bác Hồ sống mãi, Nxb CTQG, tr250, tr256

(21) Báo Nhân dân, số 593, ngày 17-10-1955

(22) Báo Nhân dân,số 3337, ngày 17-5-1963

(23) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr466.

Lường Thị Lan - Tạp chí Lịch sử Đảng số tháng 5/2014

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/phong-cach-ung-xu-ngoai-giao-ho-chi-minh-20200417141736309.htm