Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc khoa học, khách quan, trung thực của Hồ Chí Minh là không hề né tránh những sự việc tiêu cực, thường được đội danh là 'nhạy cảm', càng không cho phép lợi dụng hai chữ 'nhạy cảm' để che chắn sai lầm, bưng bít sự thật, bênh che cho nhau.

Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”, về phần mình, để nắm tình hình, Người không chỉ dựa vào bộ máy giúp việc, mà còn trực tiếp đi xuống cơ sở. Cách đi của Người thường là không báo trước; xem xét từ ngoài vào trong, từ sau ra trước, từ nơi ăn, chốn ở rồi mới ra chỗ làm việc, hội trường... Người muốn không để ai có thể nói dối mình. Người lên án mọi thói che đậy, bưng bít sự thật, cho đó là dối trá với dân, “dối trá với Đảng, có tội với Đảng”.

Phong cách làm việc khoa học, khách quan, trung thực của Hồ Chí Minh là không hề né tránh những sự việc tiêu cực, thường được đội danh là “nhạy cảm”, càng không cho phép lợi dụng hai chữ “nhạy cảm” để che chắn sai lầm, bưng bít sự thật, bênh che cho nhau. Người coi đó là không trong sạch về đạo đức, không minh bạch về chính trị và không trung thực về khoa học. Người viết: "... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Người đã nêu cao tấm gương trung thực, thẳng thắn, thực sự cầu thị. Trong cải cách ruộng đất, Người gạt nước mắt nhận lỗi trước nhân dân.

Hồ Chí Minh làm việc gì cũng có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy. Vì làm việc có kế hoạch, dù bận trăm công nghìn việc của Đảng và Nhà nước, Người lúc nào cũng ung dung, tự tại, vẫn có thời gian học tập, đọc sách, xem văn nghệ, đi xuống địa phương, đi thăm danh lam, thắng cảnh... Từ thực tế và kinh nghiệm của mình, Người dạy: trong việc đặt kế hoạch không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao, “Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.

 Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng, chiến sỹ thi đua miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1965

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng, chiến sỹ thi đua miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1965

Hồ Chí Minh rất không bằng lòng với thói quen chậm chạp, tùy tiện, không đúng giờ của nhiều cán bộ, coi đó là thái độ không tôn trọng thời giờ của những người khác. Tháng 11-1945, đến dự lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Người phê bình một vị tướng đến chậm để mọi người phải đợi, coi 10 phút đến chậm ấy phải “nhân lên với 500 người đợi chú ở đây”...

Phong cách làm việc luôn đổi mới: Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta... Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức khơi gợi, kích thích sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta.

Khi dự thảo công văn cho Bác, anh em giúp việc thường dựa vào các văn bản cũ đã được Người duyệt để làm theo. Không ngờ, có lần Người lại vẫn sửa khác đi. Anh em giúp việc có ý thanh minh: Thưa Bác, cháu thấy trong văn bản trước Bác đã thông qua một câu như vậy rồi ạ. Người nói: Lần trước Bác chưa nghĩ ra, lần này Bác thấy phải sửa tiếp cho tốt hơn.

Có thể thấy phong cách của Người là luôn luôn đổi mới, không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn. Đó cũng là phong cách mà thời đại đang đòi hỏi.

Phong cách diễn đạt: Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong cách nói và viết của Người. Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà tuyên truyền, nhà báo, nhà thơ, nhà văn,... đã có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như báo chí, tiểu phẩm, thơ ca, truyện ký, kịch, văn chính luận... Tùy theo mục đích, đối tượng, thể loại mà Người có cách viết khác nhau, theo tiêu chí mà Người xác định là: Viết cho ai? Viết để làm gì... Từ đó, Người có phong cách diễn đạt rất đa dạng, phong phú: uyên bác, hàn lâm đối với các chính khách phương Tây; hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” đối với các bậc đại nho; mộc mạc, giản dị đối với những đồng bào còn ít chữ...

Về đặc trưng của phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, có thề nêu các điểm sau:

Cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực: Mở đầu tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ chủ kiến của mình: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ... Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả... Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”.

Mục đích nói và viết của Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Hồ Chí Minh hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực.

Diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao: Bác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”... Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.

Sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể: Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lôí̀ nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...

Phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng: Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo (trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp), sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục... Người dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Nam Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/phong-cach-lam-viec-cua-ho-chi-minh-301600.html