Phong cách chính luận: 'Dấu son' đặc biệt tại Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dù điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn, nhưngnhiều cơ quan thông tấn, báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếngnói Việt Nam, Báo Cứu Quốc, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã cử lực lượng tham giađưa tin, tuyên truyền về sự kiện này.

Điện Biên Phủ - 56 ngày đêm chấn động địa cầu. Ảnh: TL

Điện Biên Phủ - 56 ngày đêm chấn động địa cầu. Ảnh: TL

Duy nhất có Báo QĐND đã tổ chức một tòa soạn tiền phương gồm 5 cán bộ, phóng viên để trực tiếp thu thập thông tin, viết báo, in báo và phát hành báo ngay tại mặt trận nóng bỏng. Trực tiếp làm 33 số báo ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, Báo QĐND đã tạo ra một “dấu son” đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Thể loại báo chí có “sức nặng”

So với các tờ báo khác, Báo QĐND có đặc trưng gì nổi bật ngoài nội dung phản ánh hoạt động quân sự và đời sống bộ đội? Có lẽ không quá khó để trả lời ngay rằng, phong cách chính luận vừa là tiêu điểm, vừa là chất liệu đặc biệt góp phần làm nên vị thế, thương hiệu của tờ báo từ ngày ra đời (20/10/1950) đến nay.

Ngay từ số báo đầu tiên, tên bài Xã luận gói gọn chỉ một chữ “Có”, nhưng nội dung đã toát lên tinh thần, phong cách chính luận đặc sắc của tờ báo. Từ một sự kiện, vấn đề, thông tin thời sự nổi bật và được xã hội quan tâm, đã được báo phân tích, lý giải, bình luận theo chiều sâu nhằm hướng dẫn dư luận, định hướng tư tưởng bạn đọc theo ý nghĩa tích cực, thông qua cách viết chặt chẽ, cô đọng, thuyết phục độc giả bằng những lý lẽ sâu sắc, mềm mại, thấu tình, đạt lý, dễ đi vào lòng người.

Phát huy vai trò, chức năng, ưu thế “tờ báo của Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam”, các số báo xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đến tháng 5/1954 đã hình thành, xây dựng một phong cách làm báo đề cao thể loại báo chí chính luận, coi chính trị là linh hồn và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để định hướng tư tưởng, cổ vũ động viên ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong 33 số báo xuất bản trực tiếp tại mặt trận, có hơn 20 bài báo mang tính chất xã luận, chính luận được đăng ở những vị trí trang trọng, nổi bật trên trang 1 và trang 2. Những bài này, dù không đội mũ “xã luận”, nhưng mang đậm phong cách thông tin bằng lý lẽ, giúp cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ nắm được những vấn đề chiến lược của cách mạng, những nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta, những yêu cầu của mỗi trận đánh then chốt, những việc cần kíp có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thắng lợi trên chiến trường.

Trong số báo đầu tiên xuất bản ngoài mặt trận (số 116, ngày 28/12/1953), tại vị trí nổi bật của trang 1 đã có bài mang tính chính luận “Những thắng lợi đầu tiên trong mùa Đông Xuân và nhiệm vụ của chúng ta”. Sau khi điểm lại kết quả, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng này, đoạn kết bài báo có những lời lẽ đầy khí thế: “Chúng ta đã giành những thắng lợi đầu tiên. Chúng ta quyết không thỏa mãn những thắng lợi ấy. Hiện nay quân thù vẫn tiếp tục những âm mưu thâm độc sau những thất bại nặng nề. Chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng. Chúng ta cần hoàn thành những công tác trước mắt để có lệnh là lập tức xông ra tiêu diệt quân địch, giành lấy những thắng lợi mới to lớn hơn”.

Bài báo “Hồ Chủ tịch dạy chúng ta “quyết tâm phải thực thà sâu sắc”” (số 118 ngày 3/1/1954) như là lời nhắc nhở bộ đội xốc lại tinh thần, củng cố ý chí chiến đấu, nỗ lực vượt khó để sẵn sàng bước vào trận đánh mới. Đề cập ý nghĩa của việc tự phê bình về sự ngại khó, ngại khổ của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, bài báo có đoạn: “Thành khẩn như thế tức là chúng ta đã đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên, tức là chúng ta muốn cho chiến dịch được thắng lợi, chúng ta muốn hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong chiến dịch Đông Xuân năm nay”.

Đầy ắp hơi thở cuộc sống chiến trường được đưa lên các trang báo. Ảnh: TL

Đầy ắp hơi thở cuộc sống chiến trường

Không chỉ là những lời thúc giục, động viên, nhiều bài chính luận còn thể hiện bằng những câu từ mềm mại: “Hôm nay, trong những ngày xuân ở tiền tuyến này, chúng ta nhớ đến lời dạy bảo ân cần của Hồ Chủ tịch, nhớ đến nhiệm vụ Người giao, nhớ đến lời cổ vũ đầy sức mạnh của Người, chúng ta quyết nhẫn nại, bền gan, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ” (bài “Đông Xuân này, chú nào muốn giải thưởng?”, số 122 ngày 11/2/1954).

Nói về sự thiếu ý thức, trách nhiệm của một số chiến sĩ, cán bộ dẫn đến vũ khí hư hỏng, mất mát, bài “Hãy kiểm tra và giữ gìn vũ khí!” (số 124, ngày 22/2/1954) đã đưa ra những câu hỏi tự vấn lương tâm nhẹ nhàng, khiến mỗi người đọc không thể không tự thức tỉnh bản thân: “Những người không biết yêu quý vũ khí như thế nghĩ thế nào? Mỗi chiến sĩ, mỗi cán bộ đã làm lợi cho Tổ quốc và nhân dân được bao nhiêu mà lãng phí như vậy?”.

Liên tục bám nắm diễn biến mau lẹ trên chiến trường, bám sát tình hình tư tưởng bộ đội sau mỗi trận đánh và trong suốt thời kỳ diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người làm báo QĐND tại mặt trận đã có những cái nhìn nhạy bén, sắc sảo, kịp thời đưa ra những bài nhận định rất sát với nhịp độ chiến sự và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta.

Bên cạnh các bài mang tính chất chỉ đạo, định hướng đó, nhiều bài bình luận về quân sự trong những số báo xuất bản tại mặt trận đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm phong cách chính luận của Báo QĐND. Với bút danh Chính Nghĩa, các bài bình luận quân sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời trên mặt báo có tác dụng cổ vũ tinh thần rất lớn đối với bộ đội nhờ cách khuếch trương chiến thắng của ta, khoét sâu mâu thuẫn, yếu kém của địch và dự báo, nhận định sự thất bại không thể tránh khỏi của chúng. Nổi bật là các bài: “Từ Hòa Bình, Nà Sản tới Điện Biên Phủ và Luông Pha-băng, hay là “Tài thao lược của Na-va!” (số 127, ngày 3/3/1954); “Những lục đục nội bộ trong phe địch, ngụy sau những thất bại quân sự vừa qua” (số 129, ngày 9/3/1954); “Hoan hô chiến công của hai đoàn dũng sĩ diệt 78 phi cơ địch ở Gia Lâm và Cát Bi” (số 131, ngày 14/3/1954)...

Số báo 148 ngày 16/5/1954, là số báo cuối cùng xuất bản tại mặt trận, báo ra 6 trang (số lượng trang nhiều nhất trong 33 số báo) chủ yếu nói về ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Giành trọn tình cảm, niềm tin để cổ vũ chiến thắng hiển hách của quân dân ta, nhưng số báo này vẫn có một bài chính luận đặc sắc mang tựa đề “Sau khi chiến thắng hãy trừ bỏ tư tưởng tiêu cực”.

Bài báo như lời cảnh tỉnh mọi cán bộ, chiến sĩ không được tự mãn, say sưa với chiến thắng, mà phải tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, không lơ là mất cảnh giác, quyết tâm nắm vững và thực hiện nhiệm vụ mới mà Đảng và Hồ Chủ tịch giao cho, nhằm mục đích cuối cùng là giải phóng hoàn toàn đất nước, mang lại độc lập, tự do cho đồng bào.

Phong cách chính luận của Báo Quân đội Nhân dân: “Dấu son” đặc biệt tại Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Nền tảng cho phong cách chính luận

Có thể nói, trong điều kiện làm báo vô cùng khó khăn, thời gian eo hẹp, tình thế chiến sự diễn biến hết sức mau lẹ, các phóng viên vừa phải đi xuống hiện trường tác nghiệp, khai thác, thu thập thông tin, vừa phải kết nối thông tin viên, cộng tác viên để có thêm nguồn tin, bài nóng hổi trên khắp các chiến hào, nhưng phần lớn các số báo xuất bản trong thời kỳ đặc biệt này vẫn có những bài mang tính chất xã luận, chính luận rất kịp thời, sắc sảo.

Việc duy trì thường xuyên thể loại báo chí này trên các số báo chiến trường, một mặt thể hiện cái nhìn thời thế nhanh nhạy, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, sự kiện, vấn đề rất sát sao của Tòa soạn tiền phương; mặt khác, phần nào nói lên tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hết lòng vì bạn đọc của người cầm bút và chứng tỏ sự tinh thông nghiệp vụ, tư duy và phong cách làm báo chuyên nghiệp đã có trong phẩm chất của các nhà báo-chiến sĩ ngay trên chiến trường nóng bỏng.

Những bài báo mang tính chính luận, xã luận xuất hiện trên Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử”, góp phần lãnh đạo tư tưởng, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cách mạng, củng cố sức mạnh tinh thần và tiếp thêm ý chí chiến đấu cho quân dân ta làm nên thắng lợi “chấn động địa cầu”. Đây cũng là một trong những yếu tố nền tảng góp phần làm nên phong cách chính luận đặc sắc của Báo QĐND sau này./.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/phong-cach-chinh-luan-dau-son-dac-biet-tai-dien-bien-phu-n13502.html