Phong bì và bưu thiếp

Đơn giản, đấy là một cách coi thường thầy cô. Khi người ta nói ra việc đưa tiền một cách thản nhiên như thế, tức là người ta không còn ý thức coi trọng thầy cô nhiều lắm. Giống như một khoản nộp bắt buộc, làm phiên phiến cho xong. Trong những năm con tôi đi học phổ thông, vào những ngày như Tết hay 20-11, tôi đã thấy rất nhiều bố mẹ đưa phong bì đến trường dúi vào tay cô giáo ngay khi cô đang đứng trên lớp, thậm chí đưa cho con mang đến đưa cô.

Con tôi đã có lần thắc mắc: sao nhiều bố mẹ các bạn lớp con gửi thư cho cô giáo thế? Câu hỏi ấy, có thể nhiều bậc bố mẹ không ngần ngại mà nói thẳng toẹt ra, chẳng cần đúng hay sai, rằng thư với từ gì, đây là quà. Quà để làm gì, đứa nhỏ rồi có khi tự hiểu, quà để nhỡ có điểm kém, đến khi tổng kết năm học, cô giáo sẽ nương tay mà xóa bớt hoặc nâng lên.

Càng lên các lớp cao, nhất là các năm cuối cấp, thì độ hiểu biết tăng dần, trẻ em cứ theo đà ấy mỗi năm bớt kính trọng thầy cô đi một chút. Đây không phải chuyện đồn đoán, đây là một thực tế. Cha mẹ học sinh, dù đã bầu ra một ban phụ huynh để thay mặt mình bày tỏ lòng tri ân với thầy cô vào những ngày này, nhưng vẫn muốn tự tay đưa phong bì biếu thầy cô, như một kiểu nhắc nhở cô quan tâm đến con mình nhiều hơn - tất nhiên phải nhiều hơn con người khác, chứ đóng tiền vào quỹ Hội phụ huynh học sinh thì ai cũng như ai. Mà các vị phụ huynh, hơn ai hết, luôn luôn muốn đặc quyền đặc lợi cho con mình.

Cha mẹ học sinh có lẽ là người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về những khiếm khuyết của ngành giáo dục, thông qua chuyện đưa phong bì. Với những quà tặng “cho nó gọn” như thế, quan hệ thầy trò và trước hết chính bản thân thầy cô sẽ bị tổn thương. Rồi khi đã vượt qua những tổn thương ban đầu, cảm thấy lợi ích của việc nhận quà, không ít thầy cô để mình trượt trên con đường quen nhận quà. Cứ thế…

Năm nay, nhìn hình ảnh những tấm thiệp với những dòng chữ yêu thương đầy ngây thơ mà các em nhỏ nhiều trường ở trong TP Hồ Chí Minh (chắc cũng còn ở nhiều trường nữa trong toàn quốc) gửi đến thầy cô nhân ngày 20-11, có lẽ người ta sẽ nhận ra rằng tiền bạc không thể là thứ quý nhất dành tặng thầy cô trong ngày này. Chỉ mong là những tấm thiệp dễ thương ấy không bị nhân rộng kiểu phong trào để trở nên tầm thường. Và mong thầy cô cũng như cha mẹ hãy khuyến khích các em bày tỏ tình cảm với thầy cô, chứ không phải đợi cha mẹ đưa “phong bì cho gọn”, để yêu thương và tôn trọng thật sự, không thể để mặc cái lối nghĩ ấy tồn tại mãi, hãy kính trọng và biết ơn thầy cô từ tận trong lòng, như trẻ em đã làm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-thuongngay/item/34774002-phong-bi-va-buu-thiep.html