Phòng bệnh khi đi du lịch

Sau năm học hoặc kỳ thi, nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức du lịch như một phần thưởng cho con em mình. Hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, bơi lội giữa biển mênh mông, ăn hải sản, khám phá những điều mới mẻ... luôn mang đến niềm vui cho mọi người.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng được hưởng trọn niềm vui vì những biến cố bất ngờ chen vào giữa như dị ứng, nhiễm khuẩn tiêu hóa...

Dị ứng vì ăn quá nhiều hải sản

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cho biết, những thiếu sót trong khâu chuẩn bị hoặc do thức ăn lạ mà những người đi du lịch rất dễ gặp phải, đó là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Các bệnh về đường tiêu hóa phổ biến thường là do nhiễm Ecoli, Salmonella, Campylobacter, Shigella và ký sinh trùng Giardia. Nguyên nhân có thể là ăn phải các món ăn chưa được chế biến kỹ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.

Theo TS Trương Hồng Sơn, Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, sữa, trứng gà và đậu phộng thường gây ra dị ứng cho trẻ em. Còn nghêu sò, cá biển, đậu phộng... hay gây ra dị ứng cho người lớn. Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị dị ứng với thực phẩm.

Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm và thường xảy ra trong vòng một vài phút cho đến vài giờ sau khi ăn phải loại thực phẩm gây dị ứng bao gồm: Nổi mề đay ở da, hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng trở nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy làm dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.

Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số trường hợp phản ứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ làm đe dọa đến tính mạng như: Co thắt và thắt chặt đường hô hấp, họng bị sưng lên làm khó thở; bị sốc với sự sụt giảm nhanh của huyết áp, tim đập nhanh, mạch nhanh; bị chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức...

Thực trạng này cần phải được phát hiện, xử trí cấp cứu điều trị một cách nhanh chóng, kịp thời như các trường hợp bị sốc phản vệ do nguyên nhân khác; nếu không sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong.

Cách duy nhất để phòng ngừa dị ứng là tránh các loại thực phẩm gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Dị ứng thực phẩm chỉ có thể được xử lý bằng thuốc mà không có cách nào khác. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc chống dị ứng như các thuốc kháng histamine, corticoid đường uống hoặc đường tiêm truyền.

Những thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp dị ứng nhẹ, giúp giảm ngứa hoặc phát ban, mà không thể dùng cho các trường hợp dị ứng nghiêm trọng. Do đó, các gia đình khi đi du lịch không nên ăn quá nhiều hải sản, các món mới, hoặc tránh các loại thực phẩm mà trước đó đã có biểu hiện dị ứng.

Kem, nước ngọt “đánh lừa” vị giác

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, một trong những lỗi phổ biến nhất của phụ huynh để cho trẻ bị đói bụng trong khi dạo chơi khắp nơi. Bên cạnh đó, trẻ em đặc biệt dễ bị mất nước, chủ yếu bởi các bé thường chỉ uống khi thật sự khát khiến cơ thể trẻ mệt mỏi. Do đó, cha mẹ cần nhắc bé uống nước thường xuyên.

Nhiều người cho rằng ăn kem, uống nước ngọt có ga là để giải khát và cung cấp năng lượng, nhưng bác sĩ Ninh cho hay hai loại này không cung cấp cho cơ thể bất kì dưỡng chất nào ngoài đường để tạo năng lượng. Cảm giác giải khát sau khi ăn kem hoặc uống nước ngọt có ga là do trong nước ngọt có ga có chứa CO2 và nước; 2 chất này có thể phản ứng với nhau tạo ra một loại axit yếu là axit

carbonic. Axit này đã được chứng minh là có thể kích thích các thụ thể cảm nhận vị giác ở trong miệng, cộng với việc nước giải khát thường được để lạnh, thì sẽ đem lại cảm giác sảng khoái, giải khát. Trên thực tế, nước ngọt có ga hay kem chỉ có thể giải khát tạm thời do đó là những loại đồ ăn/đồ uống thường được uống lạnh. Tuy nhiên, chỉ khoảng một vài phút sau khi ăn kem, uống nước ngọt có ga, bạn sẽ càng cảm thấy khát nước hơn.

“Do đó, không nên ăn, uống quá nhiều kem, nước ngọt có ga cũng như các loại đồ ăn, đồ uống chứa nhiều đường nói chung. Nếu muốn giải khát trong các chuyến đi, cha mẹ có thể lựa chọn các loại đồ uống khác tốt cho sức khỏe hơn như nước lọc hoặc nước trái cây, nước dừa... Đối với nước lọc, có thể thêm vào một vài lát chanh hoặc vài lá bạc hà để có thêm hương vị”, bác sĩ Ninh chia sẻ.

Các chuyên gia khẳng định, kem cũng tương tự như nước ngọt có ga chứa quá nhiều đường sẽ gây ra cảm giác no cho trẻ, vì vậy đến bữa trẻ sẽ không muốn ăn cơm, sẽ là vòng luẩn quẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, để chuyến đi trọn niềm vui thì phụ huynh cần phải trang bị những kiến thức nhất định về sự an toàn, dinh dưỡng, thực phẩm, lộ trình... trước những chuyến đi.

Mai Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/phong-benh-khi-di-du-lich-3936756-b.html