Phòng bệnh bạch hầu, cần tiêm vắc xin đủ mũi

Với 9 ca bệnh mới, hiện Gia Lai có 10 bệnh nhân mắc bạch hầu. Trước đó đã có 26 bệnh nhân tại Kon Tum, Đắk Nông và 1 bệnh nhân tại TPHCM mắc bạch hầu, chưa kể những ca bệnh không triệu chứng. Trước diễn biến của bệnh bạch hầu, nhiều người lo ngại khi dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp trên thế giới.

Tiêm chủng vắc xin bạch hầu đầy đủ để phòng bệnh. Ảnh Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM cung cấp

Tiêm chủng vắc xin bạch hầu đầy đủ để phòng bệnh. Ảnh Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM cung cấp

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bệnh bạch hầu cơ chế lây nhiễm khác với Covid-19 nên người dân không nên hoang mang. Người dân sẽ không có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nếu được tiêm chủng đầy đủ.

Theo Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, bệnh bạch hầu do một loại vi khuẩn gây ra, lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Đường lây này giống như virus Corona.

Tuy nhiên, kích thước của vi khuẩn bạch hầu nặng gấp 10-20 lần virus SARS-CoV-2 nên khó lây hơn và thường nằm ở bề mặt. Vi khuẩn này chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp, và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh là 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây. Đường lây là tương tự như nhau, nhưng cơ chế lây nhiễm khác hẳn với Covid-19, người dân không nên hoang mang. Với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 chúng ta đã làm cũng áp dụng với phòng ngừa bệnh bạch hầu là rất tốt.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho rằng, tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Do đó, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào tiêm từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vắc xin phối hợp (DPT-VGB-HiB hoặc DaPT-VGB-HiB-IPV) gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Do thời gian qua phòng ngừa dịch Covid-19, nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh khi đến nơi công cộng nên một số gia đình chưa đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch dẫn đến tiến độ bao phủ vắc xin cho trẻ em bị chậm lại.

Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã được tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng lây nhiễm Covid 19.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã triển khai kế hoạch tiêm bù và giao cho tất cả các trạm y tế phường, xã trong TPHCM rà soát, thông báo và mời những người có con em chưa tiêm chủng đi tiêm ngay, nhất là những vắc xin cơ bản như bạch hầu, ho gà, uốn ván phải tiêm chủng cho đầy đủ.

Theo đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin bắt buộc. Hoặc có thể chọn lựa vắc xin miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nga, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần tiêm vắc xin nhắc để duy trì mức độ bảo vệ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân để phòng bệnh.

Lịch tiêm chủng vắc xin phối hợp với bạch hầu:

Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4 khi trẻ 16 tháng - 24 tháng; mũi thứ 5 nhắc trước khi trẻ vào lớp 1 (4-7 tuổi); mũi thứ 6 nhắc khi trẻ 9 - 15 tuổi.

Người lớn hoặc trẻ lớn không nhớ lịch tiêm thì chỉ cần tiêm 1 mũi bất cứ thời điểm nào.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phong-benh-bach-hau-can-tiem-vac-xin-du-mui-129478.html