Phòng bay lắc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương: Cả một con voi mà không ai nhìn thấy!

Thật sự bất ngờ! Thật sự ngoài sức tưởng tượng...! Đó là những lời than vãn, cảm thán của người dân, nhân viên y tế khi công an TP.Hà Nội triệt phá đường dây và tụ điểm buôn bán ma túy liên quan đến một... bệnh nhân tâm thần.

Nhà báo Nguyễn Tiến Đạt

Điều không thể tưởng tượng ra là “bệnh nhân” này đã hình thành, tổ chức một điểm buôn bán, tàng trữ và bay lắc ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương - một bệnh viện chuyên ngành, đầu ngành của Bô Y tế.

Một tụ điểm bay lắc có tổ chức, có đầu tư xây dựng, có phân công nhiệm vụ cho cả người bán, mua và cả người cảnh giới.

Câu hỏi đặt ra là, việc quản lý giám sát người bệnh ra vào bệnh viện lâu nay thế nào mà để cho đối tượng mua bán ra vào tùy tiện? Thậm chí còn dẫn cả “tiếp viên” vào phục vụ, mua vui ngay trong bệnh viện như chốn không người đến thế?.

Việc xây dựng, thiết kế phòng bay lắc với đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, tường cách âm bài bản như một “sàn nhảy, quán bar” nhưng không ai hay biết?

Theo thông tin ban đầu, phòng bay lắc này hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã hơn 2 tháng qua nhưng nếu cơ quan công an TP.Hà Nội không truy tìm, triệt phá thì đến giờ vẫn “không ai hay biết”.

Lại thêm một câu hỏi khác đặt ra là phòng bay lắc này được tổ chức tinh vi hay được “bảo kê” tinh vi, chặt chẽ?. Nếu đúng như vậy thì liệu ngoài địa điểm này, còn có cơ sở hay chi nhánh nào nữa không?

Một đối tượng được xem là có bệnh tâm thần lại có thể “điều khiển” được cả những người không tâm thần cũng như một cơ sở với đầy đủ quy trình chặt chẽ như tại bệnh viện lớn thì có thật là tâm thần?

Vì sao lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các phòng ban tại bệnh viện Tâm thần Trung ương biến thành “bù nhìn” trong suốt thời gian qua, để các đối tượng mua bán sử dụng chất kích thích, tự nhiên bay lắc ngay trong bệnh viện?

Người xưa có câu: “Con hư tại mẹ”. Trách nhiệm trực tiếp của Ban Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương trong vu việc này là một chuyện, trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát của Bộ Y tế, mà ở đây là trách nhiệm của ông Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cũng không thể không đặt ra.

Anh quản lý giám sát thế nào, ra sao, mà một việc tày đình như vậy còn xảy ra được và thậm chí mãi đến khi cơ quan điều tra công bố trên truyền thông thì anh... mới biết? Và như vậy thì xin hỏi lâu nay, anh có quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động khám chữa bệnh kiểu gì?

Hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây hơn một năm (tháng 4/2019), Tòa án Nhân dân Hà Nội đem ra xét xử vụ án liên quan đến đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Theo đó, bị cáo Thân Thái Phong (SN 1977, cựu Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi, bệnh viện Tâm thần Trung ương I) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Tuấn Sơn (tức Sơn “cháo”, SN 1984, cựu Kỹ thuật viên trưởng - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) bị xét xử tội “Môi giới hối lộ”. Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”, SN 1986, ở Hà Nội) bị xét xử tội “Đưa hối lộ”.

Cáo trạng của cơ quan công tố cho thấy, vụ án bắt nguồn khi Công an Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tùng về tội "Cố ý gây thương tích". Quá trình điều tra, đối tượng giang hồ cộm cán này đã xuất trình một hồ sơ bệnh án tâm thần cho cơ quan điều tra.

Nhận thấy hồ sơ bệnh án tâm thần của Tùng có dấu hiệu giả mạo nên sau đó, Công an Q.Hoàn Kiếm đã chuyển tin báo về tội phạm liên quan đến hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần đến Công an TP.Hà Nội để điều tra theo quy định pháp luật.

Sau vụ việc trên, công tác kiểm tra, giám sát chấn chỉnh quy trình và nhân sự tại bệnh viện Tâm thần Trung ương ra sao, mà chỉ hơn 1 năm sau, lại phát sinh ra sự vụ này?. Cả hai vụ việc, chỉ đều đổ bể khi cơ quan điều tra vào cuộc.

Câu hỏi đặt ra, liệu giấy chứng nhận tâm thần của đối tượng này là thế nào? Sau những sai phạm bị phát hiện, công tác quản lý bệnh nhân, hồ sơ, nhân sự... tại bệnh viện có thực sự đã được chấn chỉnh nghiêm túc, đến nơi đến chốn? Liệu rằng ngoài bệnh viện Tâm thần Trung ương, còn bệnh viện hay cơ sở y tế nào nữa không?

Liệu rằng bài học lần này ở bệnh viện Tâm thần Trung ương có trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khám chữa bệnh đi vào thực tiễn khi mà lâu nay không ít vụ việc, sai phạm liên quan tới việc khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế được phanh phui, phản ánh trên truyền thông báo chí ầm ĩ, nhưng sau đó lại rơi vào im lặng.

Và nếu cứ tiếp tục như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm khi “cái sảy nảy cái ung”?.

Nguyễn Tiến Đạt

Nguyễn Tiến Đạt

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/phong-bay-lac-trong-benh-vien-tam-than-trung-uong-ca-mot-con-voi-ma-khong-ai-nhin-thay-post105646.html