Phổi tổn thương do COVID-19 có thể tự lành

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Áo phát hiện phổi tổn thương do nhiễm SARS-CoV-2 có thể tự lành chỉ trong 3 tháng, qua đó mở ra hy vọng rằng các bệnh nhân sẽ không phải sống chung với các triệu chứng suy nhược trong nhiều năm.

Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Sabina Sahanic cùng các cộng sự tại Bệnh viện Ðại học Innsbruck theo dõi sức khỏe của 86 bệnh nhân COVID-19 với độ tuổi trung bình 61. Những bệnh nhân này được hẹn tái khám ở các thời điểm 6, 12 và 24 tuần sau khi xuất viện.

 Bệnh nhân COVID-19 luyện tập để phục hồi cơ và chức năng hô hấp. Ảnh: News Medical

Bệnh nhân COVID-19 luyện tập để phục hồi cơ và chức năng hô hấp. Ảnh: News Medical

Trong lần tái khám đầu tiên, hơn phân nửa bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của COVID-19, trong đó khó thở là biểu hiện phổ biến nhất, kế đến là ho. Ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy tổn thương phổi vẫn còn ở 88% bệnh nhân. Tuy nhiên đến mốc 12 tuần sau khi xuất viện, những triệu chứng trên đã được cải thiện và tỷ lệ bệnh nhân tổn thương phổi lúc này giảm xuống còn 56%. “Tin vui là tổn thương có xu hướng cải thiện theo thời gian, tức là phổi có cơ chế tự chữa khỏi” - Tiến sĩ Sahanic chia sẻ. Tuy chưa có kết quả tái khám ở tuần thứ 24, song nhóm nghiên cứu rất lạc quan với những tiến triển đã được ghi nhận.

Bệnh nhân COVID-19 cần phục hồi chức năng phổi càng sớm càng tốt

Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Pháp tại Ðại học Grenoble Alps chứng minh rằng bệnh nhân COVID-19 bắt đầu áp dụng chương trình phục hồi chức năng phổi càng sớm sau khi rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), thì tốc độ bình phục càng nhanh và tốt hơn.

Theo các chuyên gia, ở những bệnh nhân COVID-19 thể nặng, thiếu vận động thể chất dẫn đến hao hụt cơ nghiêm trọng, kể cả các cơ hỗ trợ hô hấp, từ đó làm suy yếu chức năng thở. Chương trình phục hồi chức năng phổi, bao gồm các bài tập vận động thể chất và những biện pháp kiểm soát triệu chứng, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những bệnh nhân COVID-19 bình phục.

Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã sử dụng phương pháp kiểm tra khoảng cách đi bộ để đánh giá tiến bộ đạt được hàng tuần của 19 bệnh nhân nặng - những người trải qua trung bình 3 tuần đeo máy trợ thở khi còn trong ICU. Sau 3 tuần áp dụng chương trình phục hồi chức năng, quãng đường bệnh nhân có thể đi được trong 6 phút đã tăng từ 16% lên 43%. Qua đó, nhóm nghiên cứu kết luận người bệnh tham gia phục hồi chức năng càng sớm và duy trì càng lâu, thì khả năng hít thở, đi bộ và sức mạnh cơ bắp được cải thiện càng nhanh và hiệu quả.

HẠNH NGUYÊN (Theo Telegraph, medicalxpress)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phoi-ton-thuong-do-covid-19-co-the-tu-lanh-a125250.html