Phơi phới Xuân phương Nam

Cái nắng khô kết hợp gió Nam thổi vào khiến cho mùa Xuân ở phương Nam ấm áp hơn so với mùa Xuân ở phương Bắc. Ngoài kia, những cành mai vàng đua nhau khoe sắc. Và Tết phương Nam thường được bắt đầu từ ngày cúng đưa ông Táo về trời.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi lên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi lên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Khoa

Chúng tôi theo chân Thượng tá Huỳnh Hữu Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi ra thao trường - nơi đơn vị đang huấn luyện xử lí các tình huống xảy ra trên khu vực biên giới. Từ xa, tiếng hô “nghiêm” vang lên dõng dạc, cả đơn vị nhanh chóng về vị trí tập hợp, hàng ngũ chỉnh tề. Thượng tá Lâm cho biết, đồng chí đứng trước hàng quân có khẩu khí to, rõ, động tác dứt khoát là Thiếu úy Phạm Công Xuân, sĩ quan trẻ mới ra trường 1 năm, đang công tác tại đơn vị.

Xuân có dáng người cân đối, rắn chắc, giọng nói khỏe, tác phong nhanh nhẹn. Qua câu chuyện thăm hỏi, tâm tình, mới biết Xuân là người dân tộc Mường, quê làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Xuân nói chuyện chậm rãi, giọng trầm ấm, điềm tĩnh, nhưng lại rất hay cười.

Xuân tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng tháng 8-2018, em được cấp trên điều động về Đồn Biên phòng Đất Mũi công tác. Thời gian đầu, em cũng gặp một số khó khăn nhỏ về ăn uống và giao tiếp do chưa quen với phong tục tập quán của bà con địa phương. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của chỉ huy đơn vị, của đồng chí, đồng đội, dần dần, tiếp xúc với bà con, được bà con yêu quý, chia sẻ, giờ đây, em đã tự tin hơn trong công việc”.

“Tết năm 2019 là lần thứ 2 em đón Tết xa nhà, nhưng là lần đầu tiên ăn Tết ở nơi cực Nam Tổ quốc. Toàn đơn vị chia ca, kíp trực ở địa bàn và tại đơn vị. Khi xuống địa bàn thì bà con chia vui, dành tình cảm chân thành, ấm áp của người dân phương Nam khiến em thấy ấm lòng như đang ở cạnh người thân vậy. Đợt trực Tết đó đã để lại cho em nhiều ấn tượng khó quên về một miền quê mộc mạc mà thắm đậm nghĩa tình, đó là động lực để em cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và Tết năm nay, em và đồng đội nhận nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục cùng nhân dân địa phương đón chào thêm mùa Xuân mới” - Xuân chia sẻ.

Nói về phong tục đón Tết ở quê, Xuân cho biết: Quê em đa số người dân tộc, từ nhà lên biên giới giáp Lào khoảng hơn 30km, mùa đông giá lạnh và sương mù vây phủ, mùa hè nóng rát vì gió lào. Ở bản Mường quê em, từ ngày 20 tháng Chạp, con cháu trong gia đình sẽ đi quét dọn sạch sẽ phần mộ của người thân đã khuất. Tết Nguyên đán cũng là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm của người Mường. Bắt đầu từ ngày 27-28 tháng Chạp, mỗi nhà đều tổ chức mâm cơm thịnh soạn để dâng tổ tiên và thần thánh, bằng thịt gà hoặc thịt lợn, xôi, rượu và các đồ lễ khác. Trong những ngày Tết, người Mường tổ chức hát sắc bùa, thuộc thể loại hát chúc tụng năm mới. Ngày mùng 1, mùng 2, trẻ con Mường cũng tập trung đi đánh cồng và tập hát sắc bùa. Bọn trẻ đi đến nhà nào thì nhà đó mở cửa cho trẻ tiền hoặc bánh và đặc biệt, không thể thiếu hội cồng Mường trong mấy ngày Xuân.

Trở lại câu chuyện của Thượng tá Huỳnh Hữu Lâm, qua chia sẻ mới biết, anh quê xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Nhập ngũ từ tháng 3-1989, năm nay đã tròn 30 năm khoác trên mình màu xanh áo lính. Trong 30 năm qua do yêu cầu nhiệm vụ, anh được cấp điều động thực hiện nhiệm vụ qua 6 đơn vị, trong đó có 3 năm ở đảo Hòn Chuối.

Đặt ly nước xuống bàn, anh Lâm chia sẻ: “Do điều kiện gia đình và công việc nên anh lập gia đình muộn. Năm nay cũng đã “U50” nhưng con mới 12 tuổi, đang học lớp 5. Hiện, vợ và con anh đang ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thời Bình, Cà Mau. Khoảng cách từ đơn vị về đến nhà gần 150km. Vì thế có khi cả tháng, hoặc tháng rưỡi mới về nhà 1 lần. Còn quê hương Trà Vinh thì có khi cả năm mới thu xếp về được 1-2 lần để cúng cơm cho ba mẹ”.

“Nhiều lúc nghĩ mà thương vợ con ở nhà. Cứ nghĩ đến cảnh sáng sáng vợ chồng người ta chở con đến trường, rồi cùng ăn sáng, chiều đến thì cả nhà quây quần bên mâm cơm mà lòng như thắt lại. Nhưng anh luôn tự hào vì được thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao cho và luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Thượng tá Huỳnh Hữu Lâm chia sẻ.

Vợ Thượng tá Lâm không có việc làm ổn định, hàng ngày chị vừa thay anh nuôi dạy con cái ăn học và làm thêm nghề thợ may. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, thời gian anh Lâm về với chị và các con chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tình cảm của anh chị dành cho nhau lúc nào cũng dạt dào. Cứ mỗi buổi tối, hoặc ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, anh chị đều gọi điện video để gia đình nhìn thấy nhau, gửi cho nhau những lời đượm tình yêu thương, động viên nhau để anh an tâm công tác.

Ngày Tết, ai đi xa cũng hướng về quê hương, về gia đình, nhưng Thiếu úy Xuân, sĩ quan trẻ hay Thượng tá Lâm đã có thâm niên hàng chục năm công tác và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau cùng chung ý chí, sẵn sàng vì nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời cho Tổ quốc thân yêu.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phoi-phoi-xuan-phuong-nam/