Phối hợp thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả

Đến năm 2020, duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá có hiệu quả trong năm 2017; nâng cao chất lượng hoạt động của 5.400 hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả; thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Đó là mục tiêu của chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Ảnh: BT)

Sáng 12/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai chương trình phối hợp thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 9750/2016/NQLT-BNN LMHTXVN ngày17/11/2016 giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về việc tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, đã có hàng chục doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư kỹ thuật đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hợp tác xã. Đặc biệt đã xây dựng được chuỗi sản xuất lúa gạo an toàn ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất với khoảng 21 hợp tác xã trong lĩnh vực tham gia liên kết với doanh nghiệp đầu ra; cho phép giảm đến 50% lượng phân bón vô cơ và hạ giá thành sản xuất lúa khoảng 3 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, thực hiện phối hợp xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phầm an toàn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện để Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn; thực hiện phối hợp tổ chức thí điểm việc hỗ trợ củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp để tham gia phát triển chuỗi nông sản an toàn Việt Nam. Trong đó, xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thực phẩm an toàn Việt Nam theo vùng, tiến tới tổ chức thành hệ thống liên kết trong toàn quốc.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) theo Nghị quyết liên tịch 08/NQLT/HND-BNN về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020, trong 6 năm đã đào tạo dạy nghề cho 362.000 lao động nông thôn. Trong đó, có gần 80% lao động được đào tạo nghề đang tham gia là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã và 27.746 lao động sau khi học nghề và với sự giúp đỡ, hướng dẫn của hội nông dân đã thành lập được hàng chục nghìn tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết sản xuất và hàng trăm hợp tác xã.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển cần phải tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, khâu tổ chức sản xuất quyết định với hai đối tượng quan trọng: doanh nghiệp – đối tượng có tổ chức quản trị, có trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật, tổ chức thị trường, chế biến, liên kết chuỗi, cùng với Hợp tác xã. HTX kiểu mới làm tốt những khâu mà thành viên chưa làm tốt; HTX tham gia hỗ trợ để giúp sản xuất của các hộ thành viên tốt hơn.

Về chương trình phối hợp giữa 3 bên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị hoàn thiện chương trình ký kết nhằm phổ biến đến lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo lực lượng phối hợp thực hiện.

Với các nhóm giải pháp từ truyền thông, hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới nguồn lực cần rà soát lại thường xuyên và được bổ sung. Đồng thời, dựa trên tinh thần các địa phương tham gia triển khai, doanh nghiệp phải vào cuộc. Các đơn vị trực thuộc phụ trách của 3 bên thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi, tham mưu cho lãnh đạo về từng mục tiêu tập trung trong từng giai đoạn cụ thể.

Tại Hội nghị, đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sẽ cụ thể nội dung ký kết thành chương trình hành động cụ thể, triển khai sâu rộng đến các cấp của đơn vị. Đồng thời, để đưa nội dung sớm đi vào cuộc sống, đề nghị 3 cơ quan cùng phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả chương trình ký kết.

Theo đó, mục tiêu của chương trình ký kết giữa Bộ NN&PTNT - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng đến năm 2020, duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả, phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số gần 7.200 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém hiện nay); thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Cùng với đó, xây dựng các mô hình điểm về liên hiệp hợp tác xã, phấn đấu có trên 50 liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Giải thể dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động; lựa chọn những nơi thực hiện có hiệu quả việc giải thể hợp tác xã đã ngừng hoạt động để tập trung đánh giá phương pháp, cách làm, từ đó chỉ đạo các địa phương nghiên cứu vận dụng,.../.

BT

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/phoi-hop-thuc-hien-muc-tieu-15-000-hop-tac-xa-nong-nghiep-hoat-dong-co-hieu-qua-480138.html