Phối hợp ngăn chặn buôn lậu lâm sản và bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện miền núi

Các tháng vừa qua, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (KLCĐ & PCCCR) số 2 (trên địa bàn huyện Ngọc Lặc) đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng; đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và động vật hoang dã (ĐVHD) tại 11 huyện miền núi, đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thanh Hóa.

Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quan Hóa kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại xã Nam Động.

Đội đã chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các hạt kiểm lâm khu vực miền núi, các đơn vị thuộc Công an tỉnh trong bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu lâm sản; giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp; quản lý lâm sản, bảo vệ tang vật sau khi xử lý, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế. Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cụ thể; chỉ đạo công chức, viên chức, lao động hợp đồng tích cực đi cơ sở, tổ chức cài cắm thông tin, nắm bắt các khu vực còn giàu tài nguyên rừng; theo dõi chặt chẽ các đối tượng, phương tiện có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép, đề xuất kịp thời với lãnh đạo đội và các hạt kiểm lâm khu vực miền núi tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

6 tháng năm 2020, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã cài cắm, nắm bắt được 82 thông tin về tình hình an ninh rừng, trong đó 30 thông tin đúng, 52 thông tin sai; tổ chức tuần tra an ninh rừng được 236 lần. Đội đã nắm bắt thông tin trong quần chúng Nhân dân, tổ chức kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý 30 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 317 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật vi phạm. Trong đó, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã phối hợp với các hạt kiểm lâm khu vực miền núi xử lý 24 vụ vi phạm.

Điển hình như ngày 29-6-2020, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã tổ chức kiểm tra rừng tại lô 53, khoảnh 1, tiểu khu 175, loại rừng phòng hộ tại bản Nót, xã Nam Động (Quan Hóa) do gia đình bà Lò Thị Gian quản lý. Qua kiểm tra, phát hiện có 3 cây gỗ bị chặt hạ trái phép thuộc nhóm 6. Đội đã lập biên bản và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Quan Hóa xử lý. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã phối hợp với Đội KLCĐ & PCCCR số 2 hoàn thiện hồ sơ khởi tố hình sự và chuyển Công an huyện Quan Hóa điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Huy, đội trưởng và một số cán bộ, kiểm lâm viên Đội KLCĐ & PCCCR số 2 cho biết: Các năm vừa qua, tại một số huyện như Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, rừng còn giàu tài nguyên. Địa hình đồi núi cao phức tạp, mạng lưới giao thông có nhiều đường ngang, ngõ tắt. Một số đối tượng thường là những “con nghiện” dùng xe khách vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, truy bắt, “lâm tặc” đã không trừ một thủ đoạn nào, chống đối quyết liệt... Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và ĐVHD, các tháng vừa qua, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các hạt kiểm lâm khu vực miền núi đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; triển khai các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, không để xảy ra điểm nóng hay tụ điểm về khai thác, phá rừng, tàng trữ, kinh doanh, mua bán, vận chuyển lâm sản, ĐVHD trái phép. Tăng cường cán bộ, kiểm lâm viên địa bàn về địa bàn rừng còn giàu tài nguyên để nắm bắt thông tin; đổi mới phương thức trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan trong bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu lâm sản phức tạp. Chủ động xây dựng mạng lưới thông tin trong Nhân dân, đổi mới công tác trinh sát, thu thập thông tin, phương thức hoạt động tuần tra và biết dựa vào chính quyền, tai mắt của Nhân dân để phát hiện chính xác các thủ đoạn mới và triệt phá các ổ nhóm, các đường dây buôn bán lâm sản nguy hiểm của “lâm tặc”, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm nội tỉnh, các tuyến thẩm lậu lâm sản qua biên giới từ Lào về Việt Nam và tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thanh Hóa. Hàng năm, lực lượng kiểm lâm và công an đã phối hợp giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp, bắt giữ và xử lý hàng chục vụ vi phạm buôn bán, vận chuyển lâm sản và ĐVHD.

Kết quả nổi bật là an ninh rừng trên địa bàn các huyện miền núi đã được giữ vững và tương đối ổn định, các tuyến tỉnh lộ được kiểm soát chặt chẽ, các điểm nóng về khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn không xảy ra, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp sớm được phát hiện, xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế địa bàn 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện trọng điểm về an ninh rừng, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, công tác phối hợp trao đổi thông tin có thời điểm chưa đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Việc nắm bắt tình hình an ninh rừng có địa bàn chưa kịp thời, vì vậy đã để xảy ra một số vụ khai thác rừng trái phép nhỏ lẻ. Do lực lượng, phương tiện và kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tuần tra rừng; trao đổi thông tin và cài cắm, “nuôi” nguồn tin trong quần chúng Nhân dân. Công tác kiểm soát an ninh rừng của một số hạt kiểm lâm khu vực miền núi chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên tuần tra rừng; chưa làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm...

Đại diện lãnh đạo Đội KLCĐ & PCCCR số 2, cho biết: Trong thời gian tới, để làm tốt công tác đấu tranh chống chặt phá rừng và buôn lậu lâm sản, đội đã chủ động xây dựng kế hoạch sát với thực tế để triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các thủ đoạn, phương thức hoạt động của đối tượng tại các vùng khai thác, bãi tập kết trọng điểm. Đồng thời, đội tăng cường phối hợp chặt chẽ với các hạt kiểm lâm, các đơn vị thuộc Công an tỉnh và một số cơ quan chức năng trong quản lý lâm sản, bảo vệ tang vật sau khi xử lý, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế, không để xảy ra thất thoát hoặc thiếu hụt.

Ngoài nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác lâm sản trái phép, buôn lậu lâm sản và ĐVHD trên địa bàn các huyện miền núi, ngay từ các tháng đầu năm 2020, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã chủ động triển khai thực hiện phương án PCCCR cụ thể đến từng khu vực rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn các huyện miền núi. Phối hợp với các hạt kiểm lâm xác định rõ khu vực trọng điểm cháy rừng và xây dựng bản đồ vùng trọng điểm cháy rừng. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức và lao động hợp đồng. Tổ chức 50 lần kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, phương tiện PCCCR gắn với tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị chữa cháy rừng cho cán bộ, kiểm lâm viên. Phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ trong ngày có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên. 100% lực lượng chuyên trách PCCCR trong đơn vị đã sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị chữa cháy rừng được cấp, bảo đảm khi được điều động sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng hiệu quả.

Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phoi-hop-ngan-chan-buon-lau-lam-san-va-bao-ve-rung-tren-dia-ban-cac-huyen-mien-nui/122354.htm