Phối hợp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 42 NĐ/CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và Nghị quyết số 02 của HĐND TP Hồ Chí Minh về Hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh người lao động (NLĐ) được giải quyết nhận hỗ trợ rất ít.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), thành phố hiện có 55.533 lao động của 3.127 doanh nghiệp (DN) phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5-2020, mới chỉ có 6.225 NLĐ tại 245 DN được hưởng hỗ trợ của Nhà nước (đạt tỷ lệ 11,21%) với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Nhìn vào kết quả này, cho thấy số NLĐ được giải quyết nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đạt chưa tới 1% trong khi hàng chục nghìn NLĐ đang trông chờ để nhận gói hỗ trợ này. Đơn cử, đến cuối tháng 5-2020 chỉ mới có khoảng ba trong số 24 quận, huyện tại thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho NLĐ ở mức 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Các quận còn lại đều có NLĐ bị ngừng việc, hoãn việc do dịch nhưng chưa có trường hợp nào được giải quyết. Riêng đối với Nghị quyết số 02 của HĐND TP Hồ Chí Minh, một số quận có tỷ lệ chi trả đạt cao như quận 3, quận Phú Nhuận; quận Tân Phú, huyện Bình Chánh có số hồ sơ chi trả rất thấp và đơn cử như quận 5, huyện Nhà Bè vẫn chưa giải quyết được trường hợp nào... Sở LĐ-TB-XH thành phố đánh giá: Tính đến thời điểm này việc chi hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người bán lẻ xổ số lưu động, đã được thành phố thực hiện với tỷ lệ hoàn tất từ 99% đến 100%. Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ cho NLĐ ngừng việc, mất việc theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Nghị quyết 02 của HĐND TP còn hạn chế.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ NLĐ nhận hỗ trợ còn thấp, lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH thành phố nhận định do người sử dụng lao động chậm đối chiếu với cơ quan bảo hiểm xã hội về danh sách NLĐ bị ngừng việc, hoãn việc, thậm chí một số DN không tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ... trong khi đây là một trong những quy định bắt buộc để NLĐ được xét nhận hỗ trợ. Do đó, chính quyền và cơ quan chức năng không đủ cơ sở chi trả hỗ trợ cho NLĐ. Không chỉ chậm hoàn thiện thủ tục để NLĐ được nhận hỗ trợ, không ít DN cũng thờ ơ với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, cho nên một số Phòng LĐ-TB và XH quận, huyện mặc dù gửi văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ này đến DN nhưng số DN phản hồi đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó cũng có tình trạng, nhiều DN đã thỏa thuận được với NLĐ về việc tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc không hưởng lương cho nên cũng không quan tâm đến việc thực hiện chính sách; thậm chí rất nhiều DN không muốn công khai tình hình tài chính cho các cơ quan chức năng nên NLĐ không được hưởng chính sách hỗ trợ...

Ở một khía cạnh khác, một số DN khi tiếp cận quy trình xét duyệt cho NLĐ làm việc tại DN được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cũng cảm thấy nan giải với bản “báo cáo tài chính” của đơn vị, nhất là đối với các công ty mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh cho nên không mặn mà trong việc hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ cho NLĐ. Ngoài ra, có một thực tế là cán bộ Phòng LĐ-TB và XH quận, huyện lúng túng vì không thẩm định được báo cáo tài chính của DN cho nên phải “nhờ” cơ quan thuế, phòng tài chính thẩm định giúp dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện quy trình xét duyệt hỗ trợ cho NLĐ. Vì vậy, để quyền lợi của NLĐ được bảo đảm, để họ sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và UBND thành phố, DN, đơn vị cũng như NLĐ cần tích cực phối hợp chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định, nhất là việc xác nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, cung cấp báo cáo tài chính để chính quyền cũng như cơ quan chức năng sớm hoàn tất công tác xét duyệt theo quy định; bảo đảm yếu tố chặt chẽ, đúng quy trình, đúng đối tượng như Nghị quyết của Chính phủ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44824102-phoi-hop-ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-dich-covid-19.html