Phối hợp giải tỏa cây trồng, công trình trái phép trên đất trồng rừng ở Lâm Đồng

Lãnh đạo Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai) cho biết, từ ngày 11/12, Xí nghiệp phối hợp cùng cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thực hiện giải tỏa cây trồng, công trình trái phép trên diện tích đất trồng rừng nguyên liệu giấy của xí nghiệp ở huyện này.

Hàng cọc bê tông và hàng rào kẽm gai được chôn chắc chắn giống như phân lô ngay trong tiểu khu 450 (xã Lộc Quảng, Bảo Lâm).

Hàng cọc bê tông và hàng rào kẽm gai được chôn chắc chắn giống như phân lô ngay trong tiểu khu 450 (xã Lộc Quảng, Bảo Lâm).

Theo đó, vị trí giải tỏa thuộc khoảnh 7, 9, tiểu khu 450B (xã Lộc Quảng) và tiểu khu 442, 443 (xã Lộc Phú, Bảo Lâm). Lực lượng chức năng sẽ giải tỏa công trình nhà cấp 4, các cây chè, cà phê, cây bắp, dâu… được xây dựng, trồng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.

Trước đó, Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng đã xây dựng phương án giải tỏa cây trồng trái phép trên diện tích đất bị tái lấn chiếm với tổng diện tích 82,98 ha tại các xã B’Lá (2,38 ha), Lộc Quảng (22,6 ha), Lộc Phú (39,54 ha) và thị trấn Lộc Thắng (18,46 ha). Sau khi giải tỏa, thu hồi, tại diện tích đất trên sẽ trồng lại rừng nguyên liệu giấy theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, từ ngày 6-8/11, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã chủ trì kiểm tra kế hoạch giải tỏa cây trồng, công trình trái phép trên đất lâm nghiệp của Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng. Sau khi kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã yêu cầu xí nghiệp bổ sung 1,15ha đất trồng cây nông nghiệp và 7 công trình xây dựng (nhà tiền chế), 2 giếng khoan phát sinh so với thống kê của đơn vị này vào kế hoạch giải tỏa.

Như TTXVN đã đưa tin, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 672,72 ha rừng thông ba lá (trồng từ năm 2000, 2002, 2003) và một số diện tích rừng trồng keo được giao cho Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm (thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng) quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hàng trăm ha rừng nguyên liệu giấy được “phủ xanh” cây nông nghiệp hoặc “hao hụt” so với thời điểm giao nhận năm 2007.

Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phap-luat/phoi-hop-giai-toa-cay-trong-cong-trinh-trai-phep-tren-dat-trong-rung-o-lam-dong-20181212141338020.htm