Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển

Được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển rộng, có nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 đã nỗ lực phấn đấu không chỉ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn..., mà còn nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm trên biển.

Cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 lấy lời khai đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. Ảnh: ĐỨC ĐỊNH

Cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 lấy lời khai đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. Ảnh: ĐỨC ĐỊNH

Được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển rộng, có nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 đã nỗ lực phấn đấu không chỉ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn..., mà còn nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm trên biển.

Nắm chắc tình hình, địa bàn quản lý

Thượng tá Nguyễn Văn Tranh, Trưởng phòng Trinh sát - BTL Vùng CSB 3 cho biết: BTL Vùng CSB 3 được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh, bao gồm cả vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc; trên đó có tuyến hàng hải quốc tế đi qua. Vùng biển đơn vị quản lý hiện nổi lên các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, với các mặt hàng chủ yếu như: xăng, dầu, đường, phân đạm, hàng nông sản; mua bán, vận chuyển hàng cấm, trộm cắp tài sản trên biển; đáng chú ý là hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu ở vùng đặc quyền kinh tế phía nam. Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, những năm qua, BTL Vùng đã coi trọng chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai lực lượng, phương tiện đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm trên biển. Theo đó, lực lượng trinh sát và cơ quan nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với công an các tỉnh và lực lượng hải quan tiến hành điều tra nắm chắc tình hình địa bàn; xác định rõ địa bàn trọng điểm và các đối tượng nghi vấn để tổ chức đấu tranh ngăn chặn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường câu móc với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển. Nhất là, hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu thường tập trung nhiều ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía nam, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá; việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trong đó, việc mua bán mặt hàng xăng, dầu, các đối tượng thường sử dụng hóa đơn quay vòng để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, nhằm hợp thức hóa lô hàng vi phạm (lấy hóa đơn chuyến hàng chính thức, hợp pháp để giải trình cho số hàng không hợp pháp). Bên cạnh đó, các đối tượng thường lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để xác định các phương tiện của lực lượng chức năng đến gần khu vực giao nhận hàng để nhanh chóng tẩu thoát khi nghi ngờ hoặc phát hiện; khi tiến hành các hoạt động mua bán nêu trên, các đối tượng thường trao đổi trực tiếp, hoặc sử dụng thông tin liên lạc, nói lóng, nói tắt để chỉ đạo các đối tượng cho tàu, thuyền vận chuyển hàng phi pháp.

Cùng với đó, trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng trinh sát cùng lực lượng chức năng phải thường xuyên hoạt động trên biển, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, cho nên quá trình theo dõi, phát hiện và bám nắm đối tượng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, khi bị bắt các đối tượng thường quanh co chối lỗi, không hợp tác, hoặc che giấu hành vi vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý ban đầu, nhất là xử lý các vụ việc vi phạm vào ban đêm.

Kiên quyết bắt giữ các đối tượng vi phạm

Được biết, những năm qua, trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng chức năng của BTL Vùng CSB 3 đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển được gần 400 chuyến, kiểm tra gần 2.000 lượt tàu, thuyền các loại; trong đó đã xử lý 1.650 tàu có hành vi vi phạm, tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) nộp ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng; bắt giữ, điều tra, xử lý 82 vụ/92 tàu có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, phát mãi hàng hóa tịch thu xung công quỹ nhà nước hơn 200 tỷ đồng; khởi tố bốn vụ án hình sự (ba vụ về tội “buôn lậu” và một vụ về tội “vận chuyển trái phép thuốc nổ”). Đồng thời, phối hợp đấu tranh khám phá hơn 100 chuyên án, bắt 200 đối tượng, thu giữ 2,7 kg ma túy đá tổng hợp và hê-rô-in, hơn 50 triệu đồng, 50 xe máy, 90 điện thoại di động, cùng nhiều tang vật, tài sản có giá trị liên quan; trong đó đã khởi tố 20 vụ án hình sự. Riêng năm 2019, lực lượng của BTL Vùng CSB 3 đã kiểm tra 18 tàu, xử phạt 17 tàu, tổng số tiền xử phạt VPHC hơn 227 triệu đồng; tiếp nhận, điều tra xử lý 18 vụ, với 18 tàu (riêng BTL Vùng CSB 3 phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý 12 vụ 12/tàu) có hành vi vận chuyển, mua bán hàng hóa trái phép, tổng giá trị hàng hóa tịch thu hơn 140 tỷ đồng; đồng thời ra quyết định khởi tố hai vụ án hình sự về tội buôn lậu.

Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng phòng Pháp luật BTL Vùng CSB 3 cho biết, mặc dù trong thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, với ý chí quyết tâm cao, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển, cán bộ, chiến sĩ lực lượng chức năng của đơn vị đã nêu cao trách nhiệm, dũng cảm trong quá trình tuần tra, kiểm soát, kiên quyết bắt giữ các tàu vi phạm, trong đó có tàu trọng tải hàng nghìn tấn, như: vào hồi 10 giờ ngày 9-3-2019, tại khu vực biển cách nam tây nam Côn Đảo khoảng 100 hải lý, lực lượng chức năng của BTL Vùng CSB 3 đã kiểm tra và bắt giữ tàu ARISTA LEO quốc tịch Xin-ga-po, do ông Chatchai Suntisuk, sinh năm 1981, trú tại Nakhon Sawan (Thái-lan) làm thuyền trưởng, đang có hành vi mua bán, sang mạn xăng trái phép cho tàu GLADYS LUCK của Việt Nam, do ông Dương Văn Mẫn, sinh năm 1978, trú tại Hải Xuân, huyện Hải Hậu (Nam Định) làm thuyền trưởng. Kết quả, đã xử phạt VPHC 217,7 triệu đồng, tịch thu 3.062.063 lít xăng, phát mại hàng hóa tịch thu số tiền 45.992.186.260 đồng.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng CSB 3 cho biết: Đối với công tác nghiệp vụ và pháp luật, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì, thực thi pháp luật trên biển, thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đúng người, đúng hành vi vi phạm, không có biểu hiện oan sai, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức xử lý các vụ việc vi phạm, phát mại hàng hóa đúng quy định của pháp luật và an toàn tuyệt đối. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên đều kiên định, vững vàng, không có biểu hiện móc nối, bao che hoặc tiếp tay cho các đối tượng. Bên cạnh đó, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm, vi phạm. Phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân hoạt động trên biển không vi phạm vùng biển nước ngoài, hạn chế dần tiến tới chấm dứt hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân ta.

Để tiếp tục đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, vi phạm trên biển, thời gian tới, Đảng ủy, BTL Vùng CSB 3 tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc coi trọng công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chức năng nâng cao nhận thức, nắm chắc quan điểm, phương châm, đối sách của Đảng và Nhà nước trong xử lý các tình huống, nhất là tình huống trên biển; phối hợp các địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Đồng thời, triển khai thực hiện tốt kế hoạch tuần tra, kiểm soát duy trì pháp luật, chú trọng về an ninh, trật tự và giảm nguy cơ mất an toàn trên biển. Tổ chức tốt công tác trinh sát nắm tình hình, chủ động phối hợp các lực lượng đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; trong đó lấy trinh sát là biện pháp mũi nhọn để tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý địa bàn, xây dựng cơ sở bí mật; phát huy vai trò của cơ quan pháp luật, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ…, góp phần giữ gìn an ninh, an toàn trên các vùng biển được đảm nhiệm, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển làm ăn sinh sống, gắn với tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TRẦN QUYẾT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/43530502-phoi-hop-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-vi-pham-tren-bien.html