Phối hợp chặt chẽ, kết nối lâu bền

Phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn đang là hướng lựa chọn không thể khác của ngành Nông nghiệp. Có nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài, đó là thu nhập của nông dân tăng cao, người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc; đặc biệt là nông sản tạo dựng được vị thế, nâng cao sức cạnh tranh...

Hiện TP Hà Nội đã có 65 chuỗi liên kết nông sản an toàn. Con số này nếu so với quy mô thị trường của Thủ đô hiện nay thì rất khiêm tốn, nhưng ở góc độ ngành, rõ ràng nền sản xuất nông nghiệp của thành phố bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể hơn, từ người sản xuất, người kinh doanh đến người tiêu dùng đều đã có trách nhiệm với sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất cho đến khi với mâm cơm từng gia đình. Trong đó, đáng chú ý là đã góp phần làm thay đổi thói quen lâu nay của một bộ phận người nông dân là "nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống". Nói cách khác, chính người trong cuộc đã thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất.

Hơn thế, lợi ích mang tính bền vững là gia tăng giá trị nông sản, khẳng định thương hiệu sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Đấy cũng là cái đích lâu dài mà ngành Nông nghiệp Thủ đô đang hướng đến.

Tuy vậy, để có được sự kết nối nhịp nhàng, gắn kết từ nhà sản xuất tới thị trường tiêu thụ, không phải việc dễ. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay mang tính nhỏ lẻ, phân tán; phần lớn các nông hộ chưa chú ý tới việc liên kết nhóm mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, thì việc mở rộng, phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ các bên liên quan.

Thực tế, để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Đây là điều nông dân cá thể khó làm được mà cần phải liên kết thành tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã), qua đó hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến - bán hàng theo kế hoạch. Làm được điều này sẽ tránh tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa” hay việc phải "giải cứu" nông sản như trong thời gian vừa qua. Quan trọng hơn, tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ là người đại diện, người bảo hộ cho nông dân tham gia chuỗi có việc làm, thu nhập ổn định.

Trong chuỗi liên kết nông sản an toàn hiện nay, doanh nghiệp có vị trí quan trọng với vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì hiệu quả không cao, rủi ro lớn. Vì vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi vẫn rất cần những ưu đãi cơ chế, chính sách về vốn, đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Ngoài ra cần lưu ý đến vấn đề tranh chấp xảy ra trong chuỗi liên kết, nhất là việc chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Ở chiều ngược lại, người sản xuất cần tuân thủ nghiêm các thủ tục về kiểm soát chất lượng nông sản, nhằm tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.

Với ngành Nông nghiệp, cần chú trọng xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này cũng phải là xu hướng tất yếu. Cùng với đó là tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm để vừa nâng cao giá trị gia tăng vừa tạo chỗ đứng vững chắc cho nông sản ở thị trường trong nước, từng bước mở rộng xuất khẩu.

Xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn đòi hỏi trách nhiệm cao của mỗi bên tham gia. Muốn vậy rất cần sự phối hợp chặt chẽ, kết nối lâu bền thông qua việc tạo dựng niềm tin từ chính chất lượng sản phẩm nông sản.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/916191/phoi-hop-chat-che-ket-noi-lau-ben