Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả vì sự phát triển của đất nước

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính, phóng viên TBTCVN đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành kinh tế có mối quan hệ công tác với ngành Tài chính. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chính sách quan trọng cho đổi mới trong nông nghiệp cũng là những chính sách khoán và tài chính.

Chính sách quan trọng cho đổi mới trong nông nghiệp cũng là những chính sách khoán và tài chính.

* Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:

5 điểm nhấn trong phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hai mảng vô cùng quan trọng trong điều hành quản lý kinh tế vĩ mô của một đất nước. Thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán cũng là những phân khúc quan trọng trong thị trường tài chính của một nền kinh tế. Thời gian vừa qua, sự điều hành, phối hợp của hai chính sách này khá tốt, thể hiện ở 5 nội dung:

Thứ nhất là trong kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính là hai cơ quan tham gia rất tích cực trong Ban chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên có báo cáo dự báo các kịch bản, phân tích chi tiết để tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo, nhằm kết hợp giữa điều hành chính sách tiền tệ và việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Năm 2019 vừa qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 2,01% theo định hướng của Ban chỉ đạo, tạo dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.

Thứ hai, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã điều hành hiệu quả để cùng góp phần đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Như năm 2019, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô rất tích cực. Lạm phát 2,79%; GDP tăng 7,02%; nợ công dưới 55% GDP, thâm hụt ngân sách 3,4% GDP, thấp hơn dự toán; nợ chính phủ dưới 48,5%, đặc biệt là được cơ cấu lại theo hướng là nợ trong nước 62,3% GDP và nợ nước ngoài chỉ là 37,7% GDP. Tất cả các chỉ tiêu cân đối vĩ mô này đều vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020.

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã điều hành hiệu quả để cùng góp phần đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Như năm 2019, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô rất tích cực. Lạm phát 2,79%; GDP tăng 7,02%; nợ công dưới 55% GDP, thâm hụt ngân sách 3,4% GDP, thấp hơn dự toán; nợ chính phủ dưới 48,5%, đặc biệt là được cơ cấu lại theo hướng là nợ trong nước 62,3% GDP và nợ nước ngoài chỉ là 37,7% GDP. Tất cả các chỉ tiêu cân đối vĩ mô này đều vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ ba, NHNN và Bộ Tài chính đều là 2 bộ, ngành tích cực, đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này rất có ý nghĩa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Hàng năm Thủ tướng đều có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ tư, 2 ngành luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong phát triển các phân khúc của thị trường tài chính. Trong chỉ đạo điều hành và điều tiết tiền tệ, NHNN đã điều hành rất linh hoạt với các công cụ đồng bộ để điều tiết thanh khoản hợp lý, tạo thuận lợi cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục mua trái phiếu chính phủ (TPCP), theo kế hoạch phát hành của Bộ Tài chính. Cùng với đó, kỳ hạn của TPCP được kéo dài hơn, lãi suất của TPCP thấp hơn, góp phần tiết kiệm cho ngân sách, cơ cấu lại danh mục.

Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với NHNN trong điều chuyển các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các TCTD về NHNN, rất phù hợp với việc điều hành của NHNN khi đưa một lượng tiền rất lớn để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối thì cần hút số tiền này về để trung hòa tác động của tiền đưa ra.

Với thị trường chứng khoán, thời gian qua thị trường đã có bước phát triển tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Điều này rất phù hợp với bối cảnh hiện nay NHNN đang chỉ đạo các TCTD thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo an toàn. Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ ngày càng giảm xuống để phản ánh đúng mục tiêu là hệ thống ngân hàng đáp ứng chủ yếu là vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn dựa chủ yếu vào thị trường vốn, bao gồm thị trường chứng khoán.

Điểm nhấn thứ năm trong sự phối hợp thành công là Bộ Tài chính và NHNN thường xuyên tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương trong các khuôn khổ hội nghị của ASEM, ASEAN+3, APEC…, hay hội nghị của WB, IMF. Hai bộ, ngành đã phối hợp tích cực với nhau để chuẩn bị tài liệu, tham gia ý kiến, có những hội nghị là chủ trì, góp phần tăng tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:

Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng thực hiện hiệu quả các mục tiêu

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Công thương có mối quan hệ khăng khít và phối hợp chặt chẽ để cùng thực hiện mục tiêu của Chính phủ
giao phó.

Đáng nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành gây ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình kinh tế - thương mại, Việt Nam vẫn nỗ lực từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó phải kể đến thành công trên tiến trình đưa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào thực thi, góp phần tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi giai đoạn hậu đại dịch.

Với vị trí là những cơ quan chủ đạo thực thi hiệp định, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, vừa thống nhất, vừa bổ sung cho nhau. Cùng với đó, 2 bộ cũng đã tích cực bàn bạc giải pháp đẩy mạnh kết nối một cửa quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển.

Đặc biệt, Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác điều hành giá. Đơn cử, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước đúng quy định theo định kỳ, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao. Chính sách đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân.

Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác điều hành giá. Đơn cử, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước đúng quy định theo định kỳ, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao. Chính sách đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân.

Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, bảo đảm cho việc bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề đang “nóng” thời gian qua là giá cả mặt hàng điện, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các kịch bản chi tiết điều hành giá điện bảo đảm đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu tại thời điểm phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống. 2 bộ cũng cùng hướng đến tăng cường công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, kính chúc đội ngũ cán bộ viên chức ngành Tài chính luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết với nghề, tiếp tục đồng hành cùng hệ thống chính trị, Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh.

* Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn:

Chính sách tài chính góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bộ Tài chính và Bộ Canh nông - nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), là một trong những bộ được thành lập đầu tiên ngay từ khi giành chính quyền năm 1945. Quá trình lịch sử 75 năm ấy, 2 bộ quản lý hai lĩnh vực khác nhau nhưng đều có mối quan hệ chặt chẽ.

Trước hết, Bộ NN&PTNT quản lý diện tích cả nước, đặc biệt những ngày sau cách mạng gần như chưa có cơ sở công nghiệp, du lịch, là nước thuần nông. Lúc đó, kinh tế quốc dân, tài chính ngân khố cũng chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp và cân đối cho nông nghiệp. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong hoạch định những chính sách kinh tế phục vụ cho nông nghiệp và đã tham gia rất tích cực vào chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy nông nghiệp là nền tảng của “kinh tế kháng chiến”, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhờ đó, không những đã xóa được nạn đói những năm đầu sau cách mạng mà còn có điều kiện để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm, sức người, sức của cho kháng chiến. Đồng thời hình thành những nền tảng để phát triển nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp sau thông qua việc cải thiện phương thức canh tác nông nghiệp, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, giống lúa, công tác thủy lợi, kỹ thuật nông nghiệp… Chúng ta có thể tự hào về truyền thống vẻ vang vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử phục vụ cho cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, khởi nguồn của sự nghiệp đổi mới cũng chính là địa bàn nông thôn và khởi nguồn của đổi mới chính là cơ chế về tài chính, cơ chế tự chủ. Từ việc khoán hộ đã kích thích thúc đẩy sự năng động sáng tạo, tính tự chủ, suy nghĩ trên “luống cày thửa ruộng” của người nông dân để làm ăn có hiệu quả và kinh tế nhất. Chính sách quan trọng cho đổi mới trong nông nghiệp cũng là những chính sách khoán và tài chính. Vì thế đến nay, ngành Nông nghiệp mới giải phóng được sức sản xuất, ngày càng đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế của đất nước; đóng góp ngày càng cao cho ngành Tài chính quốc gia và có lúc được ví là trụ đỡ cho nền kinh tế đất nước.

Với chủ trương coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nhất là trước những đổi mới của cơ chế thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu khu vực nông thôn cũng là khu vực gặp nhiều rủi ro cao về điều kiện khí hậu thủy văn, sự cố thiên tai nên chính sách tài chính luôn luôn đi cùng với việc này. Chính sách tài chính khi đó là hỗ trợ người nông dân lúc khó khăn khi dịch bệnh, thiên tai, không để ai phải ở lại phía sau và những chính sách xóa đói giảm nghèo cũng là chính sách về tài chính ưu tiên cho khu vực nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng sản xuất nông nghiệp. Rất nhiều chính sách đó đã tạo niềm tin vào chủ trương của Đảng, tạo niềm tin vào vai trò dẫn dắt định hướng của Nhà nước và của nền tài chính để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Điều này đã giúp ngành Nông nghiệp hiện nay có được thành quả khi nhiều mặt hàng đã đứng vững trên thị trường quốc tế, trong đó có những mặt hàng đứng trong top đầu thế giới. Như vậy, ngoài chính sách đổi mới, tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp thì chính sách tài chính đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nước ta.

* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể:

Thành công của Bộ Giao thông có sự đóng góp của Bộ Tài chính

Trong suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã cùng đồng hành với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, mọi thành công của Bộ GTVT đều có sự đóng góp cụ thể, thiết thực của Bộ Tài chính.

Có thể điểm lại một số thành quả của sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của 2 ngành ở một số lĩnh vực công tác: Trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 2 bộ đã phối hợp chặt chẽ ban hành kịp thời các cơ chế chính sách áp dụng cho ngành GTVT để quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công và tài chính doanh nghiệp. Đặc biệt, để triển khai Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017,

2 bộ phối hợp xây dựng, ban hành thay thế kịp thời các thông tư hướng dẫn về quản lý, sử dụng NSNN về phí, lệ phí, quản lý kinh phí sự nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và các lĩnh vực khác.

Trong công tác quản lý thu, chi NSNN, Bộ GTVT là ngành có số thu phí, lệ phí và chi từ ngân sách (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) lớn, nên hai bộ đã tăng cường quản lý, giám sát đảm bảo tuân thủ pháp luật và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được giao.

Đặc biệt, trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn, giữa hai bộ luôn có sự phối hợp chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm và trung hạn, giao và thẩm định kế hoạch được giao, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đạt mục tiêu về tiến độ và chất lượng công trình. Ngành Tài chính đã rất khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn các dự án thể hiện ở việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, nghị định của Chính phủ giúp các bộ, ngành nói chung và Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ thực hiện đầu tư công hàng năm và trung hạn. Kết quả được thể hiện qua công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công của Bộ GTVT các năm gần đây đều đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Bộ Tài chính đã đồng hành với Bộ Giao thông vận tải, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, mọi thành công của Bộ Giao thông vận tải đều có sự đóng góp cụ thể, thiết thực của Bộ Tài chính. Ngành Tài chính đã rất khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn các dự án thể hiện ở việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, nghị định của Chính phủ giúp các bộ, ngành nói chung và Bộ Giao thông vận tải nói riêng hoàn thành nhiệm vụ thực hiện đầu tư công hàng năm và trung hạn.

Trong lĩnh vực quản lý công sản, 2 bộ phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các nghị định của Chính phủ quy định về định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công, về xe ô tô... và các quy định liên quan khác, góp phần tăng cường công tác quản lý sử dụng tài sản công tại các đơn vị. Công tác mua sắm, điều chuyển tài sản nhà nước, xử lý tài sản đều phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn định mức, phát huy hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công.

Nhân dịp 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành Tài chính lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc ngành Tài chính lớn mạnh không ngừng cùng với sự nghiệp phát triển của đất nước. Chúc cho mối liên hệ mật thiết giữa 2 ngành ngày càng bền chặt, cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao phó.

Nhóm PV (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-27/phoi-hop-chat-che-hieu-qua-vi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-91543.aspx