Phối hợp các lực lượng trong phòng, chống cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm đang lan rộng trong cả nước và một số tỉnh giáp TP Hồ Chí Minh như: Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện dịch. Thế nhưng, tình hình buôn bán gia cầm từ các vùng giáp ranh về thành phố lại đang có chiều hướng gia tăng. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả giữa các địa phương để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, nhất là ở đô thị đông dân như TP Hồ Chí Minh...

Gia cầm không rõ nguồn gốc được vận chuyển vào các chợ ở TP Hồ Chí Minh, làm tăng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm. Ảnh: HOÀNG BẢY

Gia cầm không rõ nguồn gốc được vận chuyển vào các chợ ở TP Hồ Chí Minh, làm tăng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm. Ảnh: HOÀNG BẢY

Căng sức kiểm soát gia cầm lậu

Sáng sớm 18-2, như thường lệ, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hồ Chí Minh gồm đại diện các cơ quan Thú y, Công an, Quản lý thị trường và lực lượng thanh niên xung phong đã đến các điểm "nóng" kinh doanh gia cầm trái phép. Tại địa chỉ B1/26, tổ 1, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, do ông Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1976 làm chủ hộ, Đoàn liên ngành phát hiện nơi đây đang giết mổ gà trái phép. Phó Trạm Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh Nguyễn Hồng Triệu cho biết, khi Đoàn liên ngành tới, chủ hộ này đã nhanh chân tẩu tán tang vật. Qua khám xét, đã phát hiện trong nhà này vẫn còn máy đánh lông gà và nhiều ô chuồng nhốt, dự trữ gà. Chủ hộ Nguyễn Văn Ngọc đã có hành vi chống đối, đưa gà mổ lậu vào trong nhà, khóa trái cửa.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mua bán, giết mổ gia cầm lậu đang diễn ra công khai, quy mô lớn tại một số vùng giáp ranh ở TP Hồ Chí Minh. Các đối tượng kinh doanh trái phép thường chở gia cầm sống vào các điểm ở nội, ngoại thành, sau đó giết mổ, bán ra thị trường. Nhiều trường hợp còn công khai đứng bán gia cầm sống ở lòng lề đường. Tại Trạm thú y Thủ Đức, Hóc Môn, mỗi ngày lực lượng thú y bắt được hàng chục vụ, thu giữ hàng trăm con gia cầm không có giấy kiểm dịch. Cũng trong ngày 18-2, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh còn phát hiện bảy trường hợp buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép và đã thu giữ một số tang vật. Tại chợ Bình Chánh, thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, nhiều người vẫn giết mổ gia cầm trái phép ngay trong chợ, cử người cảnh giới và sẵn sàng tẩu tán tang vật khi bị phát hiện. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh Huỳnh Tấn Phát cho biết, các cán bộ thú y cùng lực lượng chuyên ngành của thành phố đang phải căng sức đối phó với dịch cúm. Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức phòng, chống dịch, cơ quan thú y tiến hành phối hợp với các tỉnh để kiểm soát nguồn gia cầm nhập vào thành phố bảo đảm có nguồn gốc, không bị lây nhiễm dịch bệnh.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan về thành phố

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Triệu, việc kiểm soát gia cầm nhập lậu đang hết sức căng thẳng, gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ lây lan dịch bệnh vào TP Hồ Chí Minh là rất lớn, bởi tình trạng mua bán, kinh doanh gia cầm nhập lậu không những không giảm mà còn tăng lên. Các đối tượng mua bán ngày càng tinh vi, bất chấp luật pháp, cắt cử người theo dõi ngược lại lực lượng chức năng để đối phó.

Tại Long An, tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh ở hướng tây-nam, ngay sau khi công bố hai ổ dịch cúm gia cầm tại ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành và ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Các địa phương tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động tiêm phòng, quản lý chặt chẽ gia cầm nhằm tránh nguy cơ dịch bùng phát. Tuy nhiên, tình trạng bán gia cầm tràn lan vẫn còn tiếp diễn. Tại TP Tân An (Long An), gia cầm sống vẫn được thương lái, người buôn bán nhỏ lẻ bày bán khắp nơi. Khi gặp cơ quan chức năng, những người này liền "gom" chạy gây khó cho công tác quản lý và xử lý. Với tình hình này, khó có thể kiểm soát được gia cầm từ vùng dịch ở Long An theo những người mua bán trái phép tràn vào TP Hồ Chí Minh.

Đồng Nai, tỉnh nằm ở cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh, được xem là "thủ phủ" của cả nước về chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tổng đàn hơn 12 triệu con. Tuy dịch cúm gia cầm chưa xuất hiện tại Đồng Nai, nhưng nguy cơ bùng phát dịch đang đe dọa từ các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, thủy cầm "lậu" trên đường phố, chợ tự phát, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là rất lớn.

Trong những ngày này, tại các tuyến đường Đồng Khởi (đoạn qua phường Trảng Dài, Tân Phong, TP Biên Hòa), đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình, Long Bình Tân, TP Biên Hòa)... rất dễ bắt gặp những điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, thủy cầm "lậu" lưu động bên lề đường. Vịt, gà sống được chở trên xe gắn máy bày bán, giết mổ tại những nơi tập trung đông công nhân, lao động, khi phát hiện lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ nhanh nhẹn di chuyển đến chỗ khác tiếp tục hoạt động. Tại các chợ tự phát ở khu phố 7, phường Long Bình; ở khu phố 11, phường Tân Phong, chợ Trảng Dài... gia cầm, thủy cầm được bày bán công khai sát ngay các gian hàng tươi sống, có nơi lên đến hàng trăm con; việc giết mổ gia cầm cũng được tiến hành ngay tại chỗ, rất mất vệ sinh. Đáng nói là, những điểm bán gia cầm sống này đã diễn ra nhiều năm nay, không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, gây bức xúc cho người dân địa phương, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng chẳng khác nào như tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa". Các loại gia cầm được bày bán ở đây chủ yếu được nhập từ các tỉnh như Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Phước...sau đó chia lẻ lại cho những người buôn bán dọc các tuyến đường, chợ tự phát để bán. Với giá bán rẻ hơn tại các điểm bán gia cầm sạch từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg, các điểm buôn bán gia cầm, thủy cầm lậu này thu hút khá đông khách hàng đến mua.

Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang nhận định: "Nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm lớn nhất là việc kinh doanh, mua bán gia cầm, thủy cầm sống không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc tại các điểm này. Qua kiểm tra lấy mẫu, tỷ lệ vi-rút cúm gia cầm trên con khỏe chiếm 3,3% tổng số lấy mẫu tại các điểm bán gia cầm không phép ở các chợ tự phát, các điểm bán gia cầm "lậu" trên các tuyến đường trong nội ô TP Biên Hòa, nhất là trên thủy cầm".

Quyết liệt ngăn chặn

"Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát, cố gắng không để dịch bệnh xuất hiện nhằm trấn an tâm lý người dân, giúp thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người chăn nuôi bán được sản phẩm", đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho biết. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2014, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn 36 điểm mua bán, kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép. Vài tuần gần đây, số này đã tăng lên 41 điểm, trong đó những nơi có nhiều điểm kinh doanh gia cầm sống nhất là các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Theo đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đây thật sự là tình trạng đáng báo động, dễ gây ra lây lan dịch bệnh, nên trong những ngày tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, truy quét.

Chiều 18-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp về thực trạng tình hình kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép và một số biện pháp cần tập trung trong thời gian tới.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch cúm gia cầm và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Cả hệ thống chính trị ở thành phố đã tham gia công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách đồng bộ.

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm, UBND thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm đánh giá mức độ chuyển biến của các địa phương trong việc xử lý tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép; duy trì công tác kiểm tra đột xuất và đề xuất các biện pháp xử lý đối với các địa phương chậm chuyển biến tích cực... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận cho biết thêm: Thành phố sẽ thành lập thêm ba đoàn kiểm tra liên ngành, ngoài bốn đoàn hiện có. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện phải báo cáo hằng ngày tình hình diễn biến dịch cúm gia cầm, báo cáo về Ban Chỉ đạo trước 16 giờ hằng ngày. Thành phố cũng thiết lập thêm một đường dây nóng do Sở Y tế thành phố phụ trách.

Theo Chi cục Thú y thành phố: Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng thú y của các địa phương lân cận thành phố để ngăn chặn tình trạng vứt xác gia cầm chết xuống sông, kênh, rạch... Đề nghị UBND các quận, huyện cũng phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; chỉ đạo các ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân...; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, bố trí lực lượng đóng chốt thường xuyên; tăng cường kiểm tra tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh, khu vực buôn bán tự phát... Còn các lực lượng thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các điểm nóng về kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc; vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép...

Bài và ảnh: LÂM HOÀNG TÂN và HẢO HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/22407202-phoi-hop-cac-luc-luong-trong-phong-chong-cum-gia-cam.html