Phơi, đốt rơm rạ mùa gặt: 'Tử thần' rình rập!

Tình trạng phơi, đốt rơm rạ vào mùa gặt đang ảnh hưởng lớn tới an toàn bay tại các sân bay quốc tế và nội địa. Đáng chú ý, nhiều chuyến bay đã không thể hạ cánh và phải thay đổi lộ trình vì không nhìn thấy đường băng.

Người dân vô tư đốt rơm sau thu hoạch khiến khói bụi mù mịt

Người dân vô tư đốt rơm sau thu hoạch khiến khói bụi mù mịt

Khói bủa vây sân bay quốc tế

Những ngày này, khu vực miền Bắc đang bước vào mùa gặt nên bà con nông dân thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng. Việc đốt rơm rạ tại khu vực gần sân bay đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc hạ cánh của các chuyến bay. Ngày 17/9 vừa qua, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã xung quanh Sân bay quốc tế Nội Bài để ngăn chặn tình trạng trên.

Trong văn bản nêu rõ, liên tiếp 2 ngày 15 và 16/9, tại khu vực đầu đường băng phía Tây Sân bay Nội Bài xảy ra 2 vụ người dân đốt rơm rạ gây nhiều khói làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay. Sau khi nhận được thông báo của Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng người dân có mặt tại hiện trường dập các đám cháy.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, việc nhiều người dân đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch phát sinh nhiều khói, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp trực tiếp đến hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay tại Nội Bài, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo sát sao các xã lân cận sân bay có các biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay.

Đồng thời, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị UBND xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Mai Đình, Phú Minh, Phú Cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, thực hiện cam kết đến từng hộ gia đình, người dân không đốt rơm rạ để ảnh hưởng đến an toàn bay.

Nhiều chuyến bay không hạ được cánh

Tình trạng đốt rơm rạ không chỉ ảnh hưởng tới Sân bay Nội Bài. Tại Sân bay Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) còn nghiêm trọng hơn khi nhiều chuyến bay của Công ty Dịch vụ bay Hàng không (Vasco) không hạ được cánh và phải quay đầu bay trở lại điểm xuất phát.

Nguyên nhân được xác định là cứ sau mùa gặt người dân lại đốt rơm rạ trên nương gây khói, hạn chế tầm quan sát. Bên cạnh đó, Sân bay Điện Biên Phủ chỉ khai thác bằng máy bay ATR72 (loại máy bay nhỏ, phục vụ chặng bay ngắn) với công nghệ khá cũ nên việc hạ cánh gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ có vậy, Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc, xung quanh sân bay có nhiều núi cao nên điều kiện thời tiết ảnh hưởng rất nhiều tới việc cất hạ cánh của các chuyến bay. Một phi công của Vasco cho biết, nhiều hôm đứng dưới Sân bay Điện Biên thấy trời nắng, điều kiện thời tiết tốt nhưng thực tế ở trên không trung mặt trời chiếu vào các đám khói khiến không thể nhìn thấy đường băng để hạ cánh. “Trong những trường hợp đó, để bảo đảm an toàn phi công phải cho máy bay quay đầu trở về Nội Bài”, phi công lái ATR72 cho biết.

Vasco đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Điện Biên nhưng không thể xử lý được tình trạng trên. Do đặc thù về tập quán nên việc đốt rơm rạ tại Điện Biên rất khó giải quyết dứt điểm. Phía Vasco cũng thừa nhận hoàn toàn bị động trong việc khai thác các chuyến bay tại Điện Biên vào mùa gặt. “Bà con thường không đốt rơm rạ tập trung nên chúng tôi khó sắp xếp thời gian khai thác. Nhiều lúc cứ phải thực hiện bay, nếu không hạ cánh được lại phải... quay đầu về”, phi công của Vasco cho biết.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Trong khi đốt rơm rạ gây mất an toàn hàng không thì tình trạng phơi rơm rạ ngoài đường lại khiến nhiều phương tiện dưới mặt đất gặp trở ngại. Cùng thời điểm này, người tham gia giao thông khá bức xúc trước tình trạng người dân mang rơm, thóc ra đường phơi khắp đường làng, ngõ xóm. Không chỉ có vậy, người dân còn dùng cả gạch, đá để che chắn khu vực phơi lúa, không cho các phương tiện giao thông đi vào. Nguy hiểm hơn, nếu người tham gia giao thông không chú ý có thể đâm vào các chướng ngại vật đó khi bị rơm che phủ.

Ngoài ra, việc phơi rơm rạ còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi phương tiện đi vào. Anh Đỗ Mạnh - thợ sửa xe tại Khu đô thị Định Công phân tích: “Khi xe máy vận hành, nhiệt độ tại ống xả và máy cao, nếu đi vào rơm có thể gây cháy bất cứ lúc nào”. Xe máy đã dễ cháy thì xe ô tô còn có có nguy cơ cao hơn. Anh Mạnh cho rằng, nhiệt độ dưới gầm xe ô tô cao hơn rất nhiều so với xe máy. Không chỉ có vậy, nếu ô tô xảy ra cháy dưới gầm thì người điều khiển xe rất khó phát hiện để xử lý sớm.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một cán bộ thuộc Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT CA TP Hà Nội) cho biết: “Mặc dù, các phương tiện di chuyển trên rơm rạ với tốc độ chậm, nhưng vẫn rất nguy hiểm nếu rơm quấn vào bánh hay gây cháy. Tuy nhiên, người dân thường phơi rơm rạ ở khu vực đường làng, xóm nên lực lượng CSGT rất khó đến tận nơi để xử lý”.

Liên quan đến việc xử lý tình trạng phơi rơm rạ, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cho biết, đã có công văn gửi UBND các huyện ngoại thành, Phòng CSGT, CA TP Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT về xử lý tình trạng người dân phơi thóc, đốt rơm, rạ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo đó, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phoi-dot-rom-ra-mua-gat-tu-than-rinh-rap-4035603-b.html