Phổi của người hút thuốc bị tổn hại thế nào?

Theo các chuyên gia, phổi là một trong số những cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thuốc lá.

90% số trường hợp mắc ung thư phổi do thường xuyên hút thuốc lá (Hình minh họa)

Khói thuốc lá làm giảm khả năng lấy oxy của phổi

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y dược và trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết: Khi hút thuốc, phổi của người hút sẽ được lấp đầy bởi 4.000 hóa chất độc hại. Trong đó, nguy hiểm nhất phải kể đến là nicotine và hắc ín (nhựa thuốc). Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Đó là do hệ thống luân chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhày nên thành phần của chất nhày cũng bị thay đổi.

Đôi khi các tuyến tiết nhày bị tắc, làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhày ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Sự thay đổi cấu trúc phổi ở những người hút thuốc làm giảm khả năng lấy oxy của phổi. Khói thuốc phá hủy phế nang, làm giảm tính đàn hồi của phổi và giảm khả năng trao đổi oxy.

Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng. Hút huốc cũng gây ra hiện tượng gọi là tăng tính đáp ứng đường thở.

Do ảnh huởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc, hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở. Do vậy, lá phổi của người hút thuốc yếu hơn nhiều so với người không hút thuốc.

“Những người hút thuốc thường có nguy cơ bị ho, viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi nặng hơn. Tình trạng viêm cũng có thể dẫn đến việc lên cơn hen suyễn ở những người đã bị bệnh hen từ trước. Nicotine có trong thuốc lá sẽ làm tê liệt các lông mao. Thông thường, lông mao sẽ loại bỏ các chất hóa học, bụi bẩn ra ngoài bằng các hoạt động phối hợp nhịp nhàng. Khi lông mao không hoạt động, các chất độc sẽ tích tụ lại, dẫn đến tắc nghẽn phổi và ho”, BS. Khánh phân tích.

Thống kê trên toàn thế giới cho thấy, 90% số trường hợp ung thư phổi là do thường xuyên hút thuốc lá. Nam giới hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn gấp 23 lần những nam giới không bao giờ hút thuốc. Tương tự như vậy, phụ nữ hút thuốc sẽ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn 13 lần so với những phụ nữ không hút thuốc.

Cách làm sạch phổi sau khi cai thuốc lá

BS. Đặng Quốc Khánh cũng khuyến cáo để phổi được trở lại an toàn người hút thuốc cần cai thuốc lá, sau khi cai cũng cần phải áp dụng nhiều cách để làm sạch phổi.

Cụ thể, người từng hút thuốc cần tạo môi trường trong lành tránh xa khói thuốc và các chất độc khác. Ngoài ra, cần ở trong khu vực có thông gió bằng cách đầu tư máy lọc không khí gia đình để loại bỏ các chất gây dị ứng và các vật chất nhỏ khác trong không khí.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tại Việt Nam, 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc lá). Đặc biệt, cùng với đó, 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. Nhiều người hút thuốc không biết rằng, việc làm của mình sẽ đem đến nguy cơ mắc ung thư phổi cho những người xung quanh khi thường xuyên bị hút thuốc thụ động.

“Ở nơi bạn sống cũng cần trồng cây xanh, bởi ban ngày, cây xanh sẽ hấp thu cacbon dioxide và các chất ô nhiễm khác rồi nhả ra ôxy, giúp chúng ta có không khí trong lành hơn để hít thở”, BS. Khánh nói và cho biết, người sau khi cai nghiện thuốc lá cũng cần tập luyện thể thao để tạo vóc dáng khỏe mạnh là điều tối cần thiết để cung cấp ôxy cho tất cả các cơ quan và sức khỏe nói chung. Việc tập luyện cũng giải phóng endorphins, một hoóc môn mang lại cảm xúc tốt. Chúng cũng có tác dụng làm giảm đau và tạo cảm giác vui vẻ. Thời lượng tập nên là 150 phút mỗi tuần (30 phút/lần) cho các loại vận động trung bình như bơi, đi bộ, làm vườn. 75 phút mỗi tuần (25 phút/lần) cho các vận động mạnh như chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, chơi bóng đá.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, hành tây xứng đáng được xem là siêu thực phẩm vì không chỉ là nguyên liệu của những món ăn ngon, chúng còn xếp thứ 2 trong danh sách thức ăn làm sạch phổi sau ngô.

Không những vậy, hành tây còn ngăn ngừa chứng nhiễm trùng phổi và hạn chế các tế bào ung thư mới phát triển. Đứng thứ 3 trong danh sách các loại thực phẩm tốt cho phổi của người hút thuốc lá phải kể đến chính là gừng.

Hoạt chất chống oxy hóa có trong loại gia vị này sẽ giúp phổi giải phóng các chất độc. Do đó, chẳng có lý do gì khi bạn không thêm một ít gừng trong chế độ ăn uống hay đơn giản, uống trà làm từ rễ gừng mỗi ngày.

“Nhìn chung, điều quan trọng nhất để làm sạch phổi đó chính là cai thuốc lá. Chỉ khi vừa cai thuốc vừa kết hợp các cách trên, bạn mới nhanh chóng có lại một lá phổi khỏe mạnh, ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm trong tương lai”, chuyên gia y tế khuyến cáo.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phoi-cua-nguoi-hut-thuoc-bi-ton-hai-the-nao-d274351.html