Tận dụng cơ hội để tăng tốc

Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt sự kỳ vọng của toàn ngành. Đây chính là động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp tục đà phát triển trong năm 2022, với mức dự kiến tăng hơn 20% so với năm 2021.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 3/2022 ước đạt 1,445 tỷ USD (trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,348 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ 98 triệu USD). Lũy kế 3 tháng ước đạt 4,092 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,788 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2021; lâm sản ngoài gỗ đạt 304 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu ước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 4,2%.

Xuất khẩu của ngành gỗ vẫn giữ vững đà tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2022.

Các thị trường xuất chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu (EU) và Hàn Quốc hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu quý I/2022, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) cho biết, giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và gia tăng ở các thị trường chủ lực, do các doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng tốt cơ hội mang lại khi Trung Quốc - quốc gia đứng đầu và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang thực hiện chính sách “zezo” Covid-19.

Bên cạnh đó, các nước EU đang thiếu hụt nguyên liệu do xung đột giữa Nga - Uraikne, ngoài rủi ro do nguồn cung từ Nga tác động tới ngành gỗ Việt, thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng mở rộng thị trường. Không những vậy, nguồn nguyên liệu trong nước đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các bất ổn do nguồn gỗ nhập khẩu mang lại.

Theo các doanh nghiệp hội viên Viforest, ngay khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đợt dịch thứ 4, đơn hàng mới dồi dào. Thực tế, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022 và đang tăng tốc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT), theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn hàng đã đủ đến hết tháng 6/2022, với tổng số giá trị 7 triệu USD. Nhờ xu hướng tích cực trong đơn hàng và các gián đoạn trong chuỗi sản xuất - cung ứng do dịch Covid-19 dự kiến giảm dần, Gỗ Đức Thành dự kiến doanh thu tăng mạnh trong năm 2022. Để thúc đẩy tăng trưởng, công ty đang bổ sung thiết bị cho nhà máy thứ ba, mở rộng công suất chế biến thêm 20%.

Tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương

Theo diễn biến ứng phó dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Sức tiêu thụ hàng hóa của các quốc gia tăng lên, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng, cộng với sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Để đón đầu cho nhu cầu thị trường trong năm 2022, ngành gỗ Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương của ngành như sự kiện Việt Nam Funiture Matching Week 2022 vào đầu tháng 4/2022 trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Sau đó là một loạt triển lãm quốc tế phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại sẽ diễn ra từ tháng 6/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp sẽ tập trung cho các đơn hàng có giá trị cao, chọn những đơn hàng sở trường của ngành gỗ Việt Nam và không ưu tiên cho mục tiêu số lượng tăng trưởng.

Ông Đỗ Xuân Lập cho biết, rất kỳ vọng vào thị trường Hoa Kỳ và EU, có thể tăng đơn hàng do thị trường khu vực này đang phục hồi tốt nhưng thiếu lao động. Riêng xuất sang thị trường Anh năm 2021 đã tăng 24% so với năm 2020. Các hiệp định thương mại tự do đang tác động rất thuận cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Trong khi với thị trường Hoa Kỳ vốn đã xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Nhằm tận dụng cơ hội từ các thị trường này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất quyết liệt chuyển đổi toàn bộ quy trình đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù nhận nhiều đơn hàng, nhưng ngành gỗ cũng đối mặt với nhiều khó khăn như nguyên liệu gỗ, phụ kiện, dầu màu bị thiếu hụt; tình trạng chi phí logistics, giá container và nguyên vật liệu đang giữ ở mức cao. Trước khó khăn này, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, với chiến lược của Chính phủ trong việc hình thành một đội tàu vận tải quốc tế và chủ động sản xuất container trong nước thì lâu dài ngành gỗ cũng như các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam không còn quá lệ thuộc, bị động với logistics.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh tin tưởng, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ thêm cơ hội cho xuất khẩu ngành gỗ. Khi giao thương kết nối, các dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu gỗ như các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế cả trực tiếp và trực tuyến cũng sẽ được mở lại. Những hoạt động xúc tiến thương mại như vậy sẽ kích thích nhu cầu thị trường cho các sản phẩm mới, cũng như các dòng sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, việc kết nối giao thương quốc tế cũng sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng toàn cầu dần ổn định, bình tĩnh trở lại sau những biến cố của đại dịch và khi đó có thể giá logistics cũng được kéo giảm xuống. Nếu được như vậy thì cuối 2022 và đầu năm 2023 ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ bùng nổ.

Dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ năm 2022 đạt khoảng 18 tỷ USD

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ từ 17,5 - 18 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ USD; đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD; dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ USD; viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ USD và gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Đặc biệt các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất, ngoại thất), có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ quốc tế về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Hoa Kỳ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tan-dung-co-hoi-de-tang-toc-102692.html