Phố Wall không tin Fed sẽ thành công đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%

Một số chuyên gia tại Phố Wall cho rằng đến cả suy thoái cũng không thể đưa lạm phát của nước Mỹ xuống mức mục tiêu của Fed.

Một số nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đang cho rằng sang năm 2024, lạm phát tại Mỹ sẽ giảm xuống gần với mức mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đặt ra. Nhưng ngày càng nhiều công ty quản lý tài sản trên Phố Wall nói rằng đó chỉ là giấc mộng hão huyền.

Công ty quản lý quỹ VanEck dự đoán rằng lạm phát sẽ mắc kẹt trong khoảng từ 3-5% trong nhiều năm tới, bất kể Mỹ có rơi vào suy thoái kinh tế hay không.

Đồng quan điểm, Công ty quản lý đầu tư Invesco nhận định, thị trường đang quá lạc quan khi cho rằng suy thoái sẽ kiềm chế áp lực giá cả. Citigroup cũng cho rằng lạm phát khó có thể giảm tốc khi tiền lương vẫn tăng trưởng ở tốc độ cao.

Trong năm 2022, những chuyên gia hàng đầu của Phố Wall đã đánh giá thấp đà đi lên của lạm phát và chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Giờ đây, các nhà quản lý tài sản đang cố gắng tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ và họ đã đưa ra cảnh báo tương tự như BlackRock, Bank of America và Double Line Group rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian lâu dài hơn.

Ông David Schassler, Trưởng bộ phận giải pháp đầu tư định lượng của VanEck cho rằng, một cuộc suy thoái trong năm 2023 cũng chỉ có thể đưa được lạm phát đi xuống trong một khoảng thời gian nhất định.

Ông nói thêm rằng: Điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế phục hồi? Lạm phát sẽ ngóc đầu đi lên, giống như những gì xảy ra trong quá khứ. Ông dự đoán giá năng lượng cao sẽ là yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng trở lại.

Dữ liệu VanEck tổng hợp cho thấy, kể từ năm 1960, một khi tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt quá 5% thì trung bình Mỹ cần đến 12 năm để đưa lạm phát xuống mức 2% hoặc thấp hơn.

Con số mục tiêu của Fed được đo lường dựa trên chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), nhưng trên thực tế, cả CPI lẫn PCEPI đều được theo dõi sát sao bởi Fed và các nhà đầu tư. Ước tính tỷ lệ lạm phát khoảng từ 3-5% của ông Schassler được áp dụng cho cả hai thước đo này.

Bà Anna Wong, kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics cho rằng, lạm phát chỉ có thể hạ xuống mức 3-4% (tính theo cả CPI lẫn PCEPI) vào giữa năm 2024 nếu suy thoái bắt đầu xảy ra trong nửa cuối năm 2023. Nhưng tỷ lệ này khó có thể được duy trì chứ chưa nói đến việc giảm xuống mức mục tiêu 2%, bởi tiềm năng giảm giá của hàng hóa, dịch vụ và nhà ở cũng có giới hạn.

Chuyên gia Schassler của VanEck khuyến nghị các nhà đầu tư nên từ bỏ chiến lược 60/40 truyền thống, thay vào đó nên phân bổ 50% tỷ trọng danh mục cho cổ phiếu, 35% cho trái phiếu và 15% cho tài sản thực, tập trung vào vàng và các loại hàng hóa khác.

Ông Jason Bloom, Giám đốc bộ phận chứng khoán trả thu nhập cố định của Invesco, cũng cho rằng lạm phát cao sẽ kéo dài bởi khoản chi khổng lồ của chính phủ Mỹ cho cơ sở hạ tầng. Ông dự đoán giá năng lượng sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh nước Mỹ dần chuyển đổi sang những nguồn thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Ông Stuart Kaiser, Giám đốc đầu tư cổ phiếu của Citi cho biết: "Chúng ta chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ quay trở về mức mục tiêu của Fed. Điều này có nghĩa là Fed sẽ phải thay đổi dự báo và có lẽ cần tăng lãi suất lên cao hơn".

Nhưng ông Kaiser cũng nhận định rằng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có thể tiếp tục đi lên mặc cho lạm phát duy trì ở mức cao, miễn là lạm phát không tăng cao hơn nữa. Các chuyên gia kinh tế của Citi dự đoán CPI lõi sẽ ổn định ở mức cao hơn dự báo của Fed.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư cho rằng lạm phát có thể giảm xuống ngưỡng mục tiêu của Fed. Bà Liz Young, Giám đốc đầu tư của SoFi cho rằng suy thoái có thể kéo lạm phát về mức mục tiêu 2% hoặc thấp hơn, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Nhưng con đường đi tới con số đó có thể rất khốc liệt và đầy gian nan.

Di Di / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/pho-wall-khong-tin-fed-se-thanh-cong-dua-lam-phat-ve-muc-muc-tieu-2-post321999.html