Phố Wall còn là chỗ dựa cho đá phiến Mỹ?

Sau cuộc khủng hoảng giá dầu giai đoạn 2014-2016, ngành đá phiến Mỹ bước vào giai đoạn bùng nổ dưới thời của chính quyền Tổng thống Trump.

Với mục tiêu tiến vào kỷ nguyên độc lập năng lượng, đưa Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu khí ròng, chính quyền Mỹ hỗ trợ đáng kể cả về chính sách sản xuất dầu khí đá phiến lẫn kêu gọi giới tư bản tài chính phố Wall và các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực dồi dào này. Giá dầu hồi phục sau khủng hoảng và tăng mạnh lên mức 80 USD/thùng, kích thích sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ. Mỹ chứng kiến sản lượng khai thác dầu thô đã có lúc tăng kỷ lục lên mức 13,2 triệu thùng/ngày (2019) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo khai thác dầu sẽ đạt 14 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Mặc dù sản lượng tăng kỷ lục và các nhà sản xuất đá phiến Mỹ làm thỏa mãn chính quyền trong việc đưa nước Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu thô lớn, song nhiều công ty đá phiến, nhất là các công ty vừa và nhỏ, cũng phải "trả giá" cho việc khoan, khai thác dầu liên tục trong thời gian dài trong điều kiện lợi nhuận thấp, thậm chí không có lãi hoặc lỗ do chi phí sản xuất cao. Theo giới chuyên gia dầu khí, chi phí sản xuất dầu đá phiến thực tế tại Mỹ giao động trong khoảng 45-60 USD/thùng, chưa kể phí bảo hiểm sản lượng mà các công ty đá phiến phải trả để phòng ngừa rủi ro về biến động giá dầu. Với chi phí này, sản xuất dầu đá phiến trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với khai thác dầu thô tại Nga, Trung Đông và một số khu vực khác.

Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật trong hoạt động khai thác dầu đá phiến đặc trưng bởi việc sụt giảm sản lượng nhanh tại các giếng khai thác với tốc độ giảm trung bình 30% trong vòng 6 tháng đầu khai thác và 50% trong 6 tháng tiếp theo. Sản lượng sụt giảm nhanh sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô nói chung, buộc các công ty đá phiến phải tiếp tục xin cấp tín dụng để khoan các giếng mới. Tổng hòa các yếu tố trên cho thấy, nhiều công ty đá phiến Mỹ đã rơi vào chu kỳ nợ xấu: "vay tín dụng - khoan và sản xuất - lỗ - tiếp tục vay nợ - khoan và sản xuất - vay tín dụng". Điều kiện duy nhất để họ có thể thoát khỏi chu kỳ này là giá dầu ở mức cao, và tốt nhất là trên 60 USD/thùng. Đây cũng là điều kiện cần để giữ chân các ngân hàng, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư tiếp tục cung cấp tín dụng cho các công ty đá phiến.

Việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng và giới đầu tư rút dần khỏi lĩnh vực đá phiến xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa sau:

(1) Nguyên nhân chính trực tiếp đẩy các tổ chức tín dụng, ngân hàng và giới đầu tư rút dần khỏi lĩnh vực đá phiến là cuộc khủng hoảng Covid-19 và khủng hoảng giá dầu xảy ra đúng mùa xuân - thời điểm đáo hạn nợ và xem xét cho các công ty đá phiến vay tín dụng mới. Ngành công nghiệp dầu khí nói chung và các nhà sản xuất dầu đá phiến nói riêng rơi vào khủng hoảng về sản xuất, khủng hoảng về giá và khủng hoảng về khả năng tiếp cận tín dụng mới. Cho đến mùa hè này, khi nước Mỹ mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại đây phục hồi song giá dầu WTI vẫn giao động quanh mức 40-45 USD/thùng, chưa thể bứt phá trước những mối quan ngại về đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Mỹ và triển vọng kinh tế Mỹ ảm đạm. Nếu sang đến mùa thu - thời điểm đáo hạn nợ và xem xét cấp tín dụng mới tiếp theo trong năm mà giá dầu chưa bứt phá lên trên 50 USD/thùng, sẽ có thêm các công ty đá phiến phải bảo hộ phá sản hoặc buộc phải sáp nhập. Xu hướng rút đầu tư khỏi lĩnh vực đá phiến sẽ tiếp tục tăng.

(2) Nguyên nhân sâu xa thì như đã trình bày tổng quát ở trên, việc nhà đầu tư rút dần khỏi lĩnh vực đá phiến chủ yếu xuất phát từ triển vọng hiệu quả kinh tế hầu như không có khi đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này. Mặc dù, ngành đá phiến Mỹ bùng nổ cả về sản lượng lẫn thị trường tiếp cận, song chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, giá dầu thấp kéo dài và tác động ô nhiễm môi trường gia tăng khiến giới tư bản tài chính buộc phải xem xét lại chiến lược đầu tư của mình trong lĩnh vực này.

Xét từ góc độ kỹ thuật, ngành dầu đá phiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tồn tại do có những lợi nhất định so với khai thác dầu truyền thống. Chi phí vốn đầu tư khoan và đưa giếng mới vào vận hành giao động trong khoảng vài chục đến vài trăm triệu USD, thấp hơn nhiều so với hàng tỷ USD trong các dự án dầu truyền thống; thời gian từ lúc khoan đến lúc đưa vào khai thác nhanh; khả năng phản ứng nhanh với biến động thị trường khi có thể đóng/mở giếng, điều chỉnh sản lượng linh hoạt. Tuy nhiên, nếu giá dầu WTI tiếp tục giao động qua mốc 40 USD thùng thì chỉ các công ty dầu khí lớn hàng đầu của Mỹ như Chevron, ExxonMobil,... mới có thể duy trì sản xuất dầu khí đá phiến. Do đó, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) các công ty đá phiến vừa và nhỏ sẽ tiếp tục diễn ra. Kết quả là các công ty dầu khí lớn của Mỹ sẽ chi phối toàn bộ lĩnh vực đá phiến trong tương lai.

Với việc giới tư bản tài chính dần rút khỏi lĩnh vực đá phiến, tương lai của các công ty đá phiến, chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ, giờ đây chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến giá dầu trên thị trường và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Mỹ. Giá dầu hiện đang chịu áp lực lớn từ quá trình phục hồi kinh tế thế giới chậm trước làn sóng Covid-19 lần hai và chính sách nới lỏng cắt giảm sản lượng trong OPEC+ từ tháng 8 tới. Do đó, gánh nặng trách nhiệm đang dồn lên vai chính quyền của Tổng thống Trump trong tìm kiếm các gói hỗ trợ và thực hiện các chính sách "cứu" lĩnh vực này trước thềm bầu cử Tổng thống vào tháng 11 sắp tới.

Từ sau Thỏa thuận Paris 2015 đến nay, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang năng lượng "xanh" đã và đang diễn ra tại hầu hết các khu vực phát triển và đang phát triển trên thế giới. Trước đại dịch Covid-19, động lực chính cho sự chuyển dịch cơ cấu năng lượng toàn cầu có lẽ là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (AI, IoT, Blockchain, Big Data, Digital, In 3D...) với những thay đổi theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất năng lượng. Trong khoảng thời gian đó, ngành công nghiệp năng lượng truyền thống tiếp tục bị thống trị bởi ngành dầu mỏ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 kết hợp với sụp đổ giá dầu kéo dài 5 tháng qua đã trở thành "cú bật mạnh" tạo điều kiện cho các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển. Tầm nhìn chính sách của các chính phủ, chiến lược của các công ty lớn và sự thay đổi thói quen của người dùng trong đại dịch đã chuyển hướng phần lớn chính sách ưu đãi và dòng vốn đầu tư năng lượng toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn. Trong trung hạn và dài hạn sắp tới, năng lượng "xanh" và sạch sẽ ngày càng chiếm vai trò lớn trong cơ cấu nguồn năng lượng toàn cầu và có thể chiếm vai trò chủ đạo, dần thay thế năng lượng hóa thạch vào cuối thế kỷ XXI.

Trong thời gian đại dịch, ngành dầu khí, nhất là lĩnh vực thượng nguồn phải đối mặt trực tiếp với hai khó khăn lớn nhất đó là: nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sụt giảm và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi lĩnh vực truyền thống. Nhiều công ty dầu khí, thậm chí ngành công nghiệp dầu khí quốc gia của một số nước lâm vào khủng hoảng, đang trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Số ít các công ty dầu khí lớn toàn cầu (majors) vốn đứng vững sau các cuộc khủng hoảng giá dầu trước đây, nay đã phải cắt giảm CAPEX và đầu tư vào các dự án dầu khí truyền thống, giảm chi tiêu, giảm nhân sự, cơ cấu lại cấu trúc để chống chọi với khủng hoảng.

Khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Kinh tế toàn cầu nói chung và nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới nói riêng phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, không bền vững trước làn sóng đại dịch thứ 2, thứ 3. Tất cả khiến triển vọng của ngành công nghiệp dầu mỏ ảm đạm hơn trong năm 2020 và có thể kéo dài sang các năm tiếp theo. Do đó, sự điều chỉnh mạnh mẽ chiến lược hoạt động theo hướng nâng cao hiệu quả năng lượng, hiệu quả chi phí, giảm phát thải CO2 và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực năng lượng sạch và bền vững sẽ là lối thoát tốt nhất và bền vững nhất cho các nhà sản xuất dầu khí toàn cầu.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/pho-wall-con-la-cho-dua-cho-da-phien-my-575138.html