Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: 'Từ chối tiêm chủng là thiếu trách nhiệm với con'

Tiêm vắc-xin là phương pháp đề phòng tốt nhất các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella... Tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng có được những nhận thức đúng đắn về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Tiêm vắc-xin giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ

Vắc xin là một công cụ rất hiệu quả trong phòng bệnh đặc biệt đối với các bệnh nhiễm trùng. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.

Hàng năm có khoảng 115 triệu trẻ em sinh ra được tiêm chủng. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tiêm chủng- niềm hạnh phúc của trẻ thơ (Nguồn: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)

Tiêm chủng- niềm hạnh phúc của trẻ thơ (Nguồn: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng:

“Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt Polio vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều bà mẹ trì hoãn hoặc e ngại đưa con đi tiêm chủng hoặc từ chối tiêm chủng do có những hiều biết không đúng về tiêm chính vì điều này các bà mẹ đã đặt con họ vào tình huống rất nguy hiểm là trẻ có thể mắc bệnh khi xúc với nguồn lây bệnh, trong khi các mầm bệnh vẫn hiện hữu vì chưa được thanh toán hay khống chế hoàn toàn. Vì không được tiêm vắc-xin để phòng bệnh nên khi mắc bệnh, trẻ nhỏ rất dễ có các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ”, Bà Hồng nhấn mạnh.

Thống kê ở nước ta hàng năm vẫn còn khoảng 5-10% trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ (tùy thuộc vào các địa phương), như vậy là còn khoảng 170.000 trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh. Thực tế cũng đã cho thấy, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi. Trong đó hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Từ chối tiêm chủng là thiếu trách nhiệm với con mình

Trong báo cáo hằng năm vừa được công bố, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết: Năm 2018 có 19,4 triệu trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, tăng so với con số 18,7 triệu trẻ em trong năm 2017 và 18,5 triệu trẻ em trong năm 2016.

Giám đốc Cơ quan Tiêm chủng của WHO, bà Kate O’Brien cho biết:

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm trên thế giới gia tăng trở lại một phần là do “phong trào chống vắc-xin” do lo ngại những xác suất nhỏ tai biến sau tiêm chủng có thể xảy ra. Điều này đã khiến nhiều bậc cha mẹ không tin tưởng vào vắc-xin. Hiện tượng không cho con tiêm chủng đang ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu”.

(Nguồn: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)

Không chỉ phổ biến trên thế giới mà từ chối tiêm chủng là hiện tượng được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. So với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm thì số người từ chối là thiểu số, song ảnh hưởng của hiện tượng này đến cộng đồng là không nhỏ bởi nó gây ra những hiểu nhầm về tiêm chủng.

Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu. Năm 2018, Ủy ban quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai mạnh mẽ và toàn diện các biện pháp giải quyết tình trạng e ngại và từ chối vắc xin dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp, thiết lập cơ sở pháp lý cho tiêm chủng, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng rãi.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng: “Từ chối tiêm chủng với quan điểm “Thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng. Theo đó, cha mẹ cho rằng không tiêm chủng trẻ vẫn không mắc bệnh hoặc vắc xin gây hại đến sức khỏe của trẻ. Đây là quan niệm phiến diện, sai lầm”.

“Vắc xin tuy có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra”, bác sĩ Hồng nhấn mạnh.

Để vắc xin thực sự phát huy hết hiệu quả phòng bệnh thì các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Nếu trẻ không tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi thì trẻ vẫn có khả năng mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây, do trẻ chưa có miễn dịch bảo vệ hoặc miễn dịch chưa đủ để bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.

Châu Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/pho-vien-truong-vien-ve-sinh-dich-te-trung-uong-tu-choi-tiem-chung-la-thieu-trach-nhiem-voi-con-d105942.html