Phó Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc: Để trấn an, thêm hàn gắn

Ngày 29-30/9, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hàn Quốc sẽ có một vài điểm nhấn đáng chú ý.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tại một khách sạn ở Tokyo vào ngày 27/9. (Nguồn: AP)

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tại một khách sạn ở Tokyo vào ngày 27/9. (Nguồn: AP)

Trước hết, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á chứng kiến nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp. Căng thẳng tại Eo biển Đài Loan chưa hạ nhiệt. Bán đảo Triều Tiên thêm “nóng”. Đó là chưa kể tới các vấn đề toàn cầu khác như xung đột Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 lây lan trở lại, khủng hoảng năng lượng hay gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyến thăm lần này của bà Kamala Harris một lần nữa cho thấy ưu tiên dành cho Hàn Quốc. Chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden, Tổng thống, Phó Tổng thống, Ngoại trưởng và Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã ít nhất một lần đặt chân tới Seoul. Bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 77 tại New York, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Chuyến thăm trấn an

Bên cạnh cam kết tăng cường liên minh, chỉ trích Trung Quốc hay nêu lập trường về Eo biển Đài Loan như ở Tokyo, bà Kamala Harris có thể “trấn an” Seoul về một số vấn đề sau.

Trước hết, Đạo luật khuyến khích thúc đẩy sản xuất các thiết bị bán dẫn cho nước Mỹ (CHIPS) vừa được ông Joe Biden phê chuẩn đầu tháng 8 đã khiến Hàn Quốc lo ngại. Bởi lẽ, các hãng sản xuất chip Hàn Quốc có thể rời đến Mỹ xây dựng nhà máy để tận dụng chính sách trợ cấp và các ưu đãi thuế. Trong khi đó, Bắc Kinh đang “phả hơi nóng” vào Seoul trong lĩnh vực chip nhớ nhờ các khoản hỗ trợ mạnh tay cho các doanh nghiệp nội địa.

Tuần trước, chính Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk Geun thừa nhận đã có bất đồng giữa Washington và Seoul về hạn chế được Mỹ áp đặt trong chuyển giao năng lực sản xuất chip tiến tiến cho các cơ sở bán dẫn ở Trung Quốc.

Hàn Quốc cũng quan ngại về Đạo luật giảm lạm phát, tăng trợ cấp cho xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ. Seoul cho rằng điều chỉnh của Washington “vi phạm Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Mỹ và các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”.

Đạo luật này có thể tác động tới các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn của Hàn Quốc như Hyundai Motor hay KIA, hiện có nhiều mẫu xe điện đắt hàng tại thị trường Mỹ. Đồng thời, nó có thể “phủ bóng đen” lên cam kết thúc đẩy quan hệ toàn diện với Mỹ của ông Yoon Suk Yeol.

Về vấn đề an ninh, việc Bình Nhưỡng đơn phương tháo dỡ khu du lịch núi Kumgang, biểu tượng một thời trong hợp tác liên Triều, song song với hàng loạt vụ thử tên lửa với tần suất cao trong năm 2022 cũng khiến Hàn Quốc lo lắng.

Đồng thời, trong dịp kỷ niệm cột mốc 30 năm thiết lập quan hệ, Seoul và Bắc Kinh vẫn bất đồng gay gắt liên quan đến sự hiện diện của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Trung Quốc. Các hoạt động của PLA ở Eo biển Đài Loan cũng khiến Hàn Quốc đề cao cảnh giác.

Đặc biệt, dù đang tiến triển, song quan hệ Hàn - Nhật cần nhiều hơn những lực đẩy quan trọng. Mới đây, bên lề ĐHĐ LHQ khóa 77 tại New York, Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã trao đổi, còn Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng gặp gỡ tay ba với một số tín hiệu tích cực. Ngày 28/9, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio, trong đó hai bên nhất trí thúc đẩy tiến trình cải thiện, trong đó có giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, hướng tới một “quan hệ lành mạnh”.

Song theo Korea Herald, không ít người dân Hàn Quốc đã chỉ trích cuộc gặp “không cần thiết” giữa hai nhà lãnh đạo bên lề ĐHĐ LHQ khóa 77 tại New York, Mỹ. The Korea Times ngày 27/9 dẫn lời ông Jeffrey Kingston, Giáo sư lịch sử và nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản), nhận định nhiều thách thức có hệ thống cản trở mối quan hệ song phương như quan điểm cứng rắn của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) và đảng Dân chủ (DP) đối lập đang kiểm soát Hạ viện hay cơ sở chính trị chưa đủ mạnh của lãnh đạo song phương.

Tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh đó, dù chưa đặt chân xuống sân bay Incheon, Hàn Quốc, song chuyến thăm của bà Harris đã cho thấy một số điểm đáng chú ý.

Trước hết, ngày 27/9, có thông tin cho rằng Phó Tổng thống Mỹ sẽ thăm khu phi quân sự (DMZ) biên giới liên Triều. Nếu kịch bản này diễn ra, bà Harris sẽ là quan chức Mỹ cấp cao nhất của chính quyền ông Joe Biden tới đây, với trước đó là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Theo đó, chuyến thăm của bà Harris nhấn mạnh Mỹ sẽ “sát cánh” với Hàn Quốc trước “bất cứ mối đe dọa nào” từ Triều Tiên.

Đồng thời, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo tại Tokyo ngày 28/9 nhân quốc tang ông Abe Shinzo, Phó Tổng thống Kamala Harris nói bà “hiểu” quan ngại của Seoul về chính sách trợ giá xe điện của Washington. Bà khẳng định Mỹ “cam kết” sẽ hợp tác cùng Hàn Quốc giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, phát biểu ngày 27/9, dù thừa nhận “vẫn còn một số vấn đề lịch sử” giữa Seoul và Tokyo, song một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh: “Mối quan hệ Nhật - Hàn thân thiết, vững chắc là lợi ích của Mỹ… và chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ. Phó Tổng thống đã thúc đẩy điều đó ở Tokyo”.

Tuy nhiên, bà Kamala Harris sẽ cần phải nỗ lực tương tự, thậm chí là hơn thế nữa trong quan hệ Nhật-Hàn và Mỹ- Hàn khi tới Seoul trong 24 giờ tới để đảm bảo tối đa lợi ích của xứ cờ hoa tại khu vực Đông Bắc Á đang chuyển mình nhanh chóng.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-tong-thong-my-toi-han-quoc-de-tran-an-them-han-gan-200089.html