Phó tổng giám đốc Vietjet ứng cử vào HĐQT PVOIL, xây dựng phương án thoái vốn mới

Tại Đại hội cổ đông của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) diễn ra sáng nay ngày 30/7, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc của Công ty Hàng không Vietjet (VJC) đại diện cho nhóm cổ đông VJC ứng cử thành viên HĐQT. Nhóm này đang sở hữu 9,8% vốn điều lệ của PVOIL.

Là đại diện cho một hãng hàng không lớn, ông Nam còn được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư cá nhân là những người đã trúng đấu giá PVOIL hoặc mua cổ phiếu OIL trên sàn UpCoM thời gian vừa qua.

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL cho biết, hiệu quả kinh doanh của PVOIL phụ thuộc một yếu tố quan trọng, là bao giờ PVOIL có cổ đông chiến lược nắm giữ lượng cổ phần đủ lớn để tham gia vào các quyết định quan trọng, hay nói cách khác khi nào cổ phần nhà nước giảm xuống 35,1% như kế hoạch.

“Vào thời điểm này chúng tôi chưa chắc chắn khi nào có cổ đông chiến lược”, ông Dương nói.

Về các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ đông chiến lược vừa qua, ông Dương cho biết, có 2 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài với lượng đăng ký mua gấp 2,78 lần khối lượng chào bán.

Sau khi Chính phủ không đồng ý gia hạn thời gian chào bán và dừng việc chào bán, ông Dương đã gặp các nhà đầu tư chiến lược để trao đổi thông tin. Một cổ đông chiến lược nước ngoài cho biết, đã bỏ ra 1,2 triệu USD thuê tư vấn cho thương vụ mua cổ phần của PVOIL.

“Sau Đại hội này chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn nhà nước theo hình thức đấu giá theo lô hoặc khớp lệnh trên sàn”, ông Dương nhấn mạnh.

Về kế hoạch lợi nhuận vì sao mất cân đối trong khoảng thời gian 5 tháng cuối năm - 7 tháng đầu năm. Cụ thể, PVOIL trình kế hoạch 5 tháng cuối năm đạt 104 tỷ đồng lợi nhuận, đưa tổng số lợi nhuận cả năm ước đạt 400 tỷ đồng.

Ông Dương cho biết, do diễn biến giá dầu rất phực tạp, nhất là các vấn đề địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến giá dầu. Giá dầu chỉ biến động sau 24h là đã châm ngòi cho cuộc chiến chiết khấu giữa các nhà phân phối nên tháng này có thể lời 100 tỷ đồng nhưng tháng sau có khi bay hết lợi nhuận.

Trong 7 tháng đầu năm, thì có 5 tháng diễn biến giá dầu khá thuận lợi nên lợi nhuận đạt tốt. “Chúng tôi nói với nhau phải đến hết ngày cuối năm mới biết lợi nhuận đạt được hay không”, ông Dương phân tích.

Ông Dương thừa nhận, PVOIL sau 10 năm thành lập có 500 cây xăng trên toàn quốc nhưng vị trí không đẹp bằng Petrolimex. PVOIL giữa vị trí thứ nhì về thị phần nhưng khoảng cách khá xa. Để tăng thị phần, một chiến lược quan trọng là M&A.

Hiện nay, PVOIL có vốn nhà nước cao nên thủ tục đầu tư, phương án M&A rất an toàn nên mất tính linh động.

Năm ngoái có công ty Thương mại Cà Mau mà PVOIL có 20% vốn cổ phần nhưng công ty đã không thành công trong việc chạy đua chiếm cổ phần chi phối so với một công ty đầu mối tư nhân khác. PVOIL hy vọng khi có cổ đông chiến lược sẽ linh hoạt năng động hơn trong các quyết định kinh doanh.

Một cổ đông chia sẻ, cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước để sớm nâng cao hiệu quả kinh doanh của PVOIL. Với EPS hiện nay, thì giá cổ phiếu 14.000 đồng không phải là thấp.

Ông Dương chia sẻ, giá cổ phiếu OIL xuống một phần do ảnh hưởng chung của thị trường. Đúng là hiện nay, hiệu quả của PVOIL còn hạn chế nhưng dư địa còn lớn. Khi tìm được cổ đông chiến lược thành công PVOIL sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển thị phần.

Về cổ tức, ông Dương cho biết, sẽ để giành lợi nhuận không chia mà có thể sẽ chia vào năm sau.

Đại diện cổ đông Dragon Capital góp ý về tờ trình tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 6,621%. Theo Dragon việc khóa room sẽ không tạo ra sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu OIL trên sàn.

Theo tờ trình, HĐQT PVOIL sẽ triển khai thực hiện thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tại PVOIL.

"Khi xây dựng phương án cổ phần hóa chúng tôi sẽ đưa các lập luận này vào để trình các cấp có thẩm quyền. Sau ĐHCĐ 45 ngày chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành phương án thoái vốn nhà nước trình lên Bộ Công thương", ông Dương cho biết.

Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc VJC chia sẻ tại ĐHCĐ, VJC đánh giá tiềm năng phát triển của PVOIL rất lớn nên vẫn duy trì vai trò cổ đông lớn tại PVOIL trong thời gian tới.

Về room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Nam cũng nhấn mạnh, nên sớm có quyết định về tỷ sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở mức 49% như ban đầu.

Thu Hương

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/pho-tong-giam-doc-vietjet-ung-cu-vao-hdqt-pvoil-xay-dung-phuong-an-thoai-von-moi-237218.html