Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhờ 4.0, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp

'Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0). Nhờ CMCN 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm'.

Ngày 17.11 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo "Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng cho biết cuộc CMCN lần thứ 4 (CMCN 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.

“Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong cuộc CMCN 4.0. Nhờ CMCN 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm”.

Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để tiệp cận và tham gia cuộc chơi công nghệ mới khi là thị trường trên 93 triệu dân, dân số trẻ, có trên 130 triệu thuê bao di động. Vùng phủ 4G lên đến 99% quận, huyện với gần 60 triệu kết nối di động băng thông rộng (3G, 4G). Hiện nay 55% dân số đã thường xuyên kết nối Internet và còn tiếp tục tăng nhanh. Đây là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới, dựa trên kết nối số phát triển nhanh.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho biết, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm đối với Việt Nam. Cuộc cách mạng này làm thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa, gây ra xáo trộn, chuyển dịch thay thế lao động quy mô lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng phân cực dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thị trường lao động, tạo ra những thách thức lớn, đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh và năng lực đổi mới sáng tạo; sự phổ cập của công nghệ số đặt ra nguy cơ tụt hậu đối với những người không may mắn nắm bắt được cơ hội.

Phó thủ tướng cũng cho biết những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên quốc gia đăt ra vấn đề về nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng mà câu chuyện gần đây về taxi truyền thống và taxi công nghệ là một ví dụ điển hình.

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết có khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong 1 - 2 thập niên tới. Nếu Việt Nam không đạt được nhiều việc làm và thu nhập cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ thì sự phân hóa giàu nghèo sẽ càng sâu sắc hơn.

Bên cạnh đó, các liên kết kinh tế đa tầng lớp với các luật chơi mới mà Việt Nam đang tham gia, một mặt mở ra không gian phát triển mới, mặt khác cũng đang đặt ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

Ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, trở thành nước có thu nhập cao đang là công việc đầy khó khăn đối với Việt Nam và các nước khác khi cần tránh “bẫy thu nhập trung bình”.

Vị này khuyên Việt Nam cần tập trung vào chất lượng của lao động thay vì giá thành của lao động, suy nghĩ đến những cách thức tương lai.

“CMCN lần thứ tư là vấn đề lớn và sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự bất bình đẳng. Chúng ta cần nhìn về tương lai để tìm ra cách thực hiện chính sách bảo đảm tăng trưởng sẽ mang tính bao trùm hơn. Đây không phải trách nhiệm của chính phủ mà còn là trách nhiệm của các nhóm tư nhân”, Justin Wood nói.

Trước tình hình này, Phó thủ tướng cho rằng mỗi nước đi sau có thể có lợi thế hơn nếu biết học hỏi, lựa chọn hướng đi và tiến nhanh hơn về phía trước. “Chỉ có đi trước theo những lựa chọn của riêng mình mới thay đổi được thứ hạng của quốc gia. Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc CMCN trước đây. Cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc CMCN lần thứ 4 này là rất lớn”.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ hướng tới cộng đồng.

Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng giúp mọi cá nhân, mọi thiết bị, cảm biến được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực; và hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cần Chính phủ làm rõ các vấn đề: Giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển; đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới - sáng tạo; kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, mang tính phổ cập giữa các vùng miền, để mọi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau; nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh cần phải kiểm soát tốt.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/pho-thu-tuong-nho-40-moi-nguoi-dan-deu-co-the-khoi-nghiep-76141.html