Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Việt Nam luôn tích cực, có trách nhiệm cùng ILO trong hành trình hướng tới mục tiêu công bằng xã hội'

'Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng Tổ chức Lao động Quốc tế tiếp tục cuộc hành trình hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, phấn đấu hiện thực hóa lý tưởng của các nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại'.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội diễn ra ngày 27-8 tại Hà Nội. Lễ kỷ niệm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức.

Sự tương đồng giữa Tư tưởng của Hồ Chí Minh với những nguyên tắc cơ bản của ILO

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi mà Tổ chức Lao động quốc tế luôn không ngừng phấn đấu. Đó là cũng sứ mệnh mà Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế đã và đang thúc đẩy.

Trong suốt mấy thập kỷ qua, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Ngay từ năm 1919, Nhà Cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị hòa bình Paris, trong đó nêu rõ đòi hỏi quyền cho người dân Việt Nam “được tự do hội họp, được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”. Những yêu sách này có nội hàm hoàn toàn tương đồng với Lời mở đầu của Hiến chương Tổ chức Lao động Quốc tế về “công nhận nguyên tắc cơ bản của tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi mà ILO, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên đã và đang thúc đẩy".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi mà ILO, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên đã và đang thúc đẩy".

Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú, sâu sắc và toàn diện. “Những nội dung trong chính sách lao động và an sinh xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ; việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định... Những nội dung này cũng chính là những tiêu chuẩn lao động quốc tế được Tổ chức Lao động Quốc tế xây dựng và thể hiện qua các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế trong suốt 100 năm qua”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nhấn mạnh con đường của Việt Nam và ILO có nhiều điểm tương đồng ngay từ xuất phát điểm, bà Deborah Greenfield - Phó Tổng giám đốc ILO cho biết, khi đọc bản yêu sách của nhân dân An Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị hòa bình Paris năm 1919 với phần mở đầu của Hiến chương ILO, sẽ thấy những từ ngữ gần như giống hệt trong cả hai văn kiện. “Dân tộc Việt Nam và Tổ chức ILO có cùng chung mục tiêu xây dựng một quốc gia hiện đại và thịnh vượng với việc làm bền vững cho tất cả mọi người. Chỉ trong vòng một thế hệ, Việt Nam đã chuyển mình thay đổi từ một xã hội thuần nông bị cô lập kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế năng động của thế giới. Thành công của Việt Nam không chỉ vượt ra ngoài phạm vi công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế mà còn lan tỏa ra cả chính sách lao động và xã hội”, bà Deborah Greenfield nói.

“Việc làm vì một tương lai tươi sáng hơn”

Cũng theo Phó Tổng giám đốc ILO Deborah Greenfield, mục tiêu của Việt Nam tiến lên hàng ngũ những quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và những quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng khả thi. “Việt Nam cần phải vượt qua nhiều trở ngại để đến đích, nhưng trên con đường đó cũng là cơ hội để hình thành một tương lai việc làm cho Việt Nam công bằng hơn, bao trùm hơn và một tương lai việc làm thỏa đáng mà không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Tổng giám đốc ILO Deborah Greenfield: "Dân tộc Việt Nam và Tổ chức ILO có cùng chung mục tiêu xây dựng một quốc gia hiện đại và thịnh vượng với việc làm bền vững cho tất cả mọi người". (Ảnh: Mạnh Dũng)

Đồng tình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thế giới ngày nay chứng kiến sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động.

“Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định cùng với đó những nghề mới sẽ xuất hiện đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn. Nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động cần thiết thì thời cơ của cuộc Cách mạng sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, mà cụ thể, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới”, Phó Thủ tướng nói. Đồng thời cho biết, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới của thị trường lao động.

“Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững với con người là trung tâm và không ai bị đứng ngoài, bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ Kỷ niệm. (Ảnh: Mạnh Dũng)

Trước đó, trong phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong suốt 100 năm qua, trong khuôn khổ của tổ chức ILO, chính phủ các quốc gia thành viên cùng với các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã không ngừng cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu cao cả của ILO, đó là một nền hòa bình bền vững trên cơ sở công bằng xã hội.

“Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Tư tưởng của Hồ Chí Minh với những nguyên tắc cơ bản của ILO. Đó là đều hướng đến việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, có chính sách an sinh xã hội thỏa đáng cho người lao động và bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như của doanh nghiệp…. Những tư tưởng này sẽ tiếp tục được cụ thể hóa, triển khai phù hợp trong nền kinh tế thị trường, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ILO diễn ra trong bối cảnh hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bày tỏ lòng tưởng nhớ và niềm kính trọng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (1969 - 2019), qua đó một lần nữa khẳng định những tư tưởng giá trị còn mãi với thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà sáng lập ILO về lao động và an sinh xã hội.

Đến nay Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó có 6 công ước cơ bản nhất liên quan đến lao động, việc làm và an sinh. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 7 tháng 6-2019 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với 100% đại biểu Quốc hội ủng hộ tuyệt đối. Đây là Công ước rất quan trọng để giúp Việt Nam đẩy mạnh việc hoàn thiện, đổi mới quan hệ lao động, hoàn thiện Bộ luật Lao động sửa đổi.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-luon-tich-cuc-co-trach-nhiem-cung-ilo-trong-hanh-trinh-huong-toi-muc-tieu-cong-bang-xa-hoi-160398.html