Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không được điều giáo viên cấp này sang dạy cấp khác

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định: 'Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến năm 2021 là giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên'.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh ĐH.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra ngày 2/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rà soát báo cáo Chính phủ, cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Lâu nay, Bộ GD&ĐT không nắm được tình hình tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, mãi đến thời điểm này, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT mới rà soát đội ngũ, nắm được số lượng giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, cung-cầu ở các địa phương… Đây là cơ sở để tiến tới việc triển khai vấn đề biên chế giáo viên, đào tạo sư phạm theo quy hoạch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định: “Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 là giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp và theo tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy.

Việc sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản. Tinh thần chung của Chính phủ là như vậy".

Về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện có 24 trường đang thực hiện thí điểm tự chủ và nhiều trường đại học khác cũng đang đợi Chính phủ ban hành các nghị định để thực hiện tự chủ. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã giao cho 3 trường đại học lập đề án thí điểm tự chủ cao hơn, tức là không còn bộ chủ quản.

Giáo dục đại học cũng có nhiều khởi sắc. Trong năm vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam có trường đại học lọt tốp 1000 thế giới do những tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới xếp hạng.

Hiện nay, mầm non tư thục vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp cũng đã được đầu tư quan tâm xây dựng trường học mới. Trong năm qua, có hơn 300 trường thư tục, nhóm lớp tư thục được bổ sung mới.

Quán triệt các nội dung của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý ngành giáo dục, cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới trong giáo dục phải là một quá trình và có lộ trình. Khi triển khai các bước đổi mới trong giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cần kiên trì, kiên định thực hiện.

Thứ hai, quá trình đổi mới không được đi ngược với xu thế thế giới. Tới đây, việc quản lý các trường THPT cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt hành chính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo tới Bộ GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền các địa phương… đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương các thầy cô giáo. “Từ năm học này, Bộ GD&ĐT cần phát động cuộc thi để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, nếu ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Tại hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi đến các đại biểu: “Tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, đổi mới, các đồng chí tiếp tục “giữ lửa”, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến các đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thực sự, có như vậy đất nước mới phát triển”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-khong-duoc-dieu-giao-vien-cap-nay-day-cap-khac.aspx