Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Học không phải chỉ để lấy bằng mà học để biết, để làm việc

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Bộ GD&ĐT; Hiệp hội Vì giáo dục mọi người Việt Nam và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ, hội nhập quốc tế.

Quang cảnh hội thảo.

Giáo dục mở, người thầy không thể là một “nhà truyền giáo”

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Mục tiêu của hội thảo là kêu gọi và tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Hệ thống giáo dục mở cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra. Từ đó, cùng đề xuất kiến nghị các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, cần phải thúc đẩy giáo dục mở ở Việt Nam, bởi chỉ giáo dục mở mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất và với số lượng người được tiếp cận các tri thức lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam: Với giáo dục mở, người thầy không thể là một “nhà truyền giáo”, áp đặt kiến thức.

GS Trần Hồng Quân đồng thời cho rằng, yêu cầu với người thầy cũng phải khác. Theo đó, với giáo dục mở, người thầy không thể là một “nhà truyền giáo”, áp đặt kiến thức, buộc học sinh phải thừa nhận và không được nói khác, không kiểm chứng mà là hướng dẫn, gợi ý cho học sinh chinh phục các kiến thức.

Vậy nên làm gì để phát triển giáo dục mở? Theo GS Trần Hồng Quân, đầu tiên cần phải quán triệt NQ 29-NQ/TW, đặc biệt là khâu xây dựng nền giáo dục mở; phải tổ chức nghiên cứu để cụ thể hóa nội dung mà Nghị quyết 29 nêu ra, xây dựng thành chương trình hành động, tổ chức triển khai thí điểm.

TS khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được các học giả nước ta hiểu một cách ít nhiều cảm tính và do đó có những cách hiểu khác nhau. TS Tiến cho rằng, nước ta, chủ trương chuyển từ một hệ thống giáo dục đóng sang hệ thống giáo dục mở là một bước chuyển vừa căn bản, vừa đột phá. Tuy nhiên, để không dừng lại ở một sáo ngữ, điều trước tiên là cần có cách hiểu thống nhất về khái niệm này.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo, nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thói quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc... Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo. “Nền giáo dục mở cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người. Để đạt được mục tiêu đào tạo đó, cần thiết phải thay đổi phương pháp tiếp cận và tác động vào người học theo hướng mở. Người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều các kiến thức có sẵn, mà là một người bạn đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý. Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục - đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở. Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra”, TS Hoàng phân tích.

Cần gỡ bỏ mọi rào cản trong việc thực hiện giáo dục mở

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là lần đầu tiên tổ chức hội thảo tầm quốc gia về giáo dục mở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề có tính khoa học.

Đứng ở góc độ của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề có tính khoa học, thậm chí là triết lý về định nghĩa, các khái niệm có liên quan. Hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh luận về triết lý của nền giáo dục Việt Nam, nhưng không có nghĩa như vậy mà nền giáo dục của Việt Nam không tiếp tục phát triển. Do đó việc tranh luận khoa học vẫn cứ tiếp tục nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta không làm, nhất là những gì đã trở thành xu thế của thế giới thì phải học tập theo.

Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình thảo luận để xây dựng Nghị quyết 29, Chính phủ đã chỉ ra rằng, giáo dục mở xuất hiện ngay từ khi đất nước giành độc lập thông qua phong trào xóa mù chữ “bình dân học vụ”. Hơn nữa, chúng ta đã hình thành rất sớm 2 viện đại học (Viện Đại học mở Hà Nội, Viện Đại học mở bán công TP. Hồ Chí Minh). “Không phải đến Nghị quyết 29 mới đề cập tới giáo dục mở mà tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 đã nêu “chuyển dần giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở” và từ khi ban hành nghị quyết 29 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án chương trình xây dựng xã hội học tập hoàn toàn theo tinh thần giáo dục mở”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định. Chúng ta đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam. Đây là hai văn bản căn bản và hoàn toàn theo đúng hướng mở. Tiếp đến ban hành hàng loạt đề án: Đề án đào tạo từ xa, Đề án tăng cường CNTT trong giảng dạy; Đề án tăng cường dạy ngoại ngữ…

Phó Thủ tướng cho biết, khi mới giành độc lập, Bác Hồ nói: “Phải diệt giặc dốt bằng bình dân học vụ” thì bây giờ khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ. Cần kiên quyết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả đời sống xã hội trước hết giáo dục, chính sách phát triển viễn thông sao cho các nhà khoa học ứng dụng CNTT hướng tới giáo dục cá nhân học trên điện thoại di động để mọi người đều học được.

“Cần nhìn thẳng vào vai trò của giáo dục Việt Nam phải đổi mới và đi trước một bước. Do vậy, cần gỡ bỏ mọi rào cản trong việc thực hiện giáo dục mở; tập trung xây dựng hệ thống học liệu mở, trước hết là trong các trường ĐH. Đây không phải chỉ là việc của Bộ GD&ĐT, của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, của các cơ sở giáo dục mà quan trọng hơn là cả xã hội cùng nhận thức được rằng: Học không phải chỉ để lấy bằng mà học để biết, để làm việc, chung sống tốt hơn, sáng tạo ra tri thức để đóng góp cho xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

HÒA THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-hoc-khong-phai-chi-de-lay-bang-ma-hoc-de-biet-de-lam-viec-d74027.html