Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đến ngày 31/12 thay thế toàn bộ sổ khám sức khỏe bằng giấy sang điện tử

Sau khi cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, ngành y tế phải hoàn thành chậm nhất là đến ngày 31/12/2020 thay thế toàn bộ sổ khám sức khỏe bằng giấy sang hình thức điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ thông tin chỉ là công cụ còn việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ thông tin chỉ là công cụ còn việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc

Sáng 30/6, Bộ Y tế đã tổ chức công bố hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cho rằng để có thể trong 6 tháng hoàn thành được mục tiêu được đề ra trong lộ trình 5 năm như ban đầu thì quan trọng nhất là phải có cách làm mới. Trong đó người đứng đầu phải quyết tâm, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin đứng sau các đơn vị chuyên môn.

Theo Phó Thủ tướng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vừa tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN, đồng thời qua đó cũng góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, có ít hồ sơ phát sinh. Thời gian tới, Bộ Y tế cùng Bộ TT&TT cần tổng kết lại quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống nhất và nhân rộng ra tất cả các cơ quan, địa phương.

“Công nghệ thông tin chỉ là công cụ còn việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thêm.

Nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của người dân, xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế luôn được ưu tiên. Vì vậy, sau khi cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, ngành y tế phải tiếp tục hoàn thành 2 lời hứa:

Thứ nhất, chậm nhất là đến ngày 31/12/2020 thay thế toàn bộ sổ khám sức khỏe bằng giấy sang hình thức điện tử để theo dõi cụ thể hồ sơ sức khỏe của từng người dân.

Đến nay, ngành y tế đã lập được trên 90 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử và đang triển khai cập nhật thông tin sức khỏe của từng người dân từ y tế tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh, Trung ương; tích hợp, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân sau này.

Thứ hai, đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thông tin về nguồn lực của ngành y tế phải được cập nhật đầy đủ, phục vụ quản lý nhà nước một cách minh bạch, công khai, toàn xã hội giám sát.

“Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có nền y tế hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kit thử virus SARS-CoV-2

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo về công tác nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (kit thử) virus SARS-CoV-2; vaccine phòng, chống COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kit thử virus SARS-CoV-2 trên thế giới để xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh); xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm PCR) có độ chính xác cao.

Cụ thể, Việt Nam đã sản xuất được 1 loại kit xét nghiệm nhanh không cần dùng máy móc và 1 loại sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Tương tự, chúng ta cũng có 2 loại kit xét nghiệm kháng nguyên (PCR). Đây là nỗ lực rất lớn của đội ngũ các nhà khoa học ngành y tế.

Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, phương án đặt mua các loại kit thử, hướng dẫn tập huấn, sử dụng các loại kit thử khi nào, ở đâu như trong các khu cách ly tập trung, tại cơ sở y tế, xét nghiệm cộng đồng… Mục tiêu là vừa bảo đảm phát hiện nhanh, chính xác các ca nhiễm bệnh, vừa đảm bảo sàng lọc trong cộng đồng. Từ đó giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực cơ sở y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc SARS-CoV-2.

Đối với dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine, với sự nỗ lực của các đơn vị tham gia, đến nay Việt Nam đã phát triển thành công vaccine dự tuyển, bước đầu cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật, làm cơ sở quan trọng để triển khai các bước tiếp theo để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh.

Trong thời gian tới các dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine cần tiếp tục được thúc đẩy tích cực với sự tập trung cao độ về nguồn lực, con người.

Ngoài phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine theo các quy chuẩn bình thường, Bộ Y tế cũng chuẩn bị “phương án thời chiến” để đẩy nhanh các bước trong trường hợp diễn biến dịch bệnh COVID-19 xấu đi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ lên phương án tổ chức lại lực lượng nghiên cứu vaccine phối hợp với doanh nghiệp để khai thác lợi thế về nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam từ trước tới nay, đáp ứng yêu cầu phòng bệnh cho người dân, khi tương lai có thể xảy ra những dịch bệnh khác sau COVID-19.

Ngày 13/11/2019, cổng dịch vụ công Bộ Y tế chính thức được khai trương tại địa chỉ https://dichvucong.moh.gov.vn. Đây là cổng trực tuyến duy nhất tập trung tất cả các dịch vụ công của Bộ Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công với Bộ.

Trong 6 tháng qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế Vũ Đức Đam, ngành Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu "kép" về phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chuyển đổi số.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2020 đến nay, hơn 33.400 hồ sơ ở hơn 300 địch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đã được xử lý. Hiện nay, số thủ tục hành chính xử lý trên mạng internet nhiều gấp 2,5 lần so với 5 năm trước.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hoàn thành cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là một cuộc cách mạng số trong ngành Y tế, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt của toàn ngành. Một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 là áp dụng công nghệ thông tin. Hơn 17 tỷ tin nhắn điện thoại với nội dung khuyến cáo phòng, chống dịch đã được các nhà mạng viễn thông gửi đến người dân. Các phần mềm, ứng dụng khai báo y tế phòng dịch được phổ biến tới mọi đối tượng. Ứng dụng công nghệ thông tin là điểm khác biệt cơ bản giữa phòng, chống dịch COVID-19 với các những lần chống dịch trước đây.

Xuân Lan

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-den-ngay-31/12-thay-the-toan-bo-so-kham-suc-khoe-bang-giay-sang-dien-tu-349006.html