Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Không được để người dân ở trên bè thủy sản

Chiều 18-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình phòng chống bão số 14 tại TP. Cam Ranh và tỉnh Ninh Thuận

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã ban hành lệnh cấm biển vào 12 giờ cùng ngày, đồng thời thông báo yêu cầu tất cả các phương tiện đánh bắt phải vào nơi trú bão an toàn.

Đối với các hộ dân nuôi trồng thủy sản đã yêu cầu vào bờ trước 16 giờ. Đến cuối giờ chiều 18-11, ở vùng biển Trường Sa còn 211 tàu đang hoạt động, đã biết thông tin bão và đang được các lực lượng chức năng hướng dẫn vào vị trí tránh trú bão. Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP. Cam Ranh, toàn thành phố có 2.765 hộ với 10.266 người cần di dời. Đến thời điểm này địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 14.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão tại TP. Cam Ranh.

Chia sẻ với địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bão số 12 gây ra những thiệt hại nặng nề cả người và tài sản cho tỉnh Khánh Hòa. Chưa kịp khắc phục xong thì bão số 14 lại chuẩn bị kéo đến. Vì vậy Khánh Hòa cần khẩn trương triển khai công tác phòng chống; rà soát lại phương tiện tàu thuyền ở vùng biển mà bão sẽ đi vào, không để bất cứ tàu thuyền nào ngoài biển, đến 19 giờ cần phải hoàn thành việc này. Bên cạnh đó cần phải đưa toàn bộ lao động ngoài biển vào bờ an toàn; quan tâm di dời, sơ tán khẩn cấp dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn như lồng bè, khu vực ngập sâu. Ngoài ra còn phải bảo vệ các công trình, chằng chống nhà cửa, rốt ráo trực tiếp đến vận động người dân chủ động trong phòng chống bão, không để người dân chủ quan với bão.

Phó Thủ tướng trò chuyện với bà con ngư dân tại cảng cá Đá Bạc.

Lúc 17h ngày 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão số 14 tại cảng cá Đá Bạc (Cam Ranh, Khánh Hòa).Trò chuyện với một số ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, Phó Thủ tướng chia sẻ với thiệt hại của bà con trong cơn bão số 12 vừa qua. Bà con cần khẩn trương kê khai với chính quyền địa phương để tổng hợp, trên cơ sở đó Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ kịp thời để bà con khôi phục lại sản xuất.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý bà con phải tuân thủ các biện pháp, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong ứng phó bão số 14, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.

Sau khi thị sát tại cảng cá Đá Bạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển. Sơ tán triệt để người dân ra khỏi các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản nguy hiểm. Bố trí lực lượng canh giữ, bảo đảm an toàn tài sản cho bà con.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng di chuyển đến tỉnh Ninh Thuận, một trong 3 địa phương dự kiến bão số 14 sẽ đổ bộ.

Hiện các tỉnh ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão (từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng) và các bộ ngành đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cảng cá Ninh Chữ.

Kiểm tra công tác chuẩn bị bão số 14 tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã di chuyển vào tỉnh Ninh Thuận và thị sát cảng cá Ninh Chữ, huyện Ninh Hải.

Kiểm tra khu lồng bè nuôi tôm xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chính quyền địa phương bố trí đầy đủ lực lượng để bảo đảm an toàn tài sản cho người dân. Đồng thời kiên quyết sơ tán toàn bộ người dân trên các lồng bè, kiểm soát chặt chẽ, không để người dân ra lồng bè khi bão đổ bộ.

"Bà con yên tâm vì tài sản sẽ được bảo vệ an toàn. Tuyệt đối không trở lại lồng bè khi chưa an toàn", Phó Thủ tướng trò chuyện với người dân.

Các lực lượng Công an, dân quân tự vệ phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) giúp ngư dân đưa thúng chài lên bờ tránh bão.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận sau khi thị sát cảng cá Ninh Chữ, khu nuôi tôm Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão số 14 tuy không mạnh bằng bão số 12 nhưng dự kiến đổ bộ vào Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vốn không thường xuyên phải chống chịu bão và đã chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12.

“Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc chuẩn bị kỹ để ứng phó hiệu quả với bão số 14 là hết sức quan trọng. Không chỉ giúp giảm thiệt hại về người, tài sản mà còn bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân nhanh nhất sau khi bão qua. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nói.

Ngư dân huyện Ninh Hải khẩn trường đưa tàu thuyền vào tránh cơn bão số 14 tại cảng Ninh Chử.

Nhiệm vụ ưu tiên cao nhất lúc này là trước 21 giờ đêm nay Ninh Thuận phải hoàn thành việc rà soát, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển vào các khu tránh trú bão, neo đậu an toàn. Rà soát lại lần nữa các khu vực trọng yếu, có nguy cơ cao để tổ chức sơ tán người dân nếu cần thiết.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tỉnh kiên quyết, thực hiện nghiêm việc đưa người dân còn ở ngoài lồng bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời tổ chức bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Các công trình cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cần triển khai các phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ. Các hồ đập phải được theo dõi liên tục, sẵn sàng ứng phó ngay khi có sự cố.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu công tác chuẩn bị ứng phó bão số 14 của Ninh Thuận phải hoàn thành trước 21 giờ tối 18/11.

Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành giao thông, điện, viễn thông chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư để khắc phục sớm nhất các sự cố xảy ra. Ngành giao thông, công an tổ chức lực lượng để phân luồng, hướng dẫn giao thông, tuyệt đối không để người dân, phương tiện lưu thông vào khu vực nguy hiểm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ, vị trí tâm bão số 14 cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 330 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 14. Ảnh NCHMF

Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km về phía Bắc, 100 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km.

Đến 4 giờ ngày 19/-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km về phía Bắc, 150 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Ảnh NCHMF

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 19-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Campuchia.

Bảo Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-khong-duoc-de-nguoi-dan-o-tren-be-thuy-san-264099.html