Đảng viên ở Cà Mau đi đầu trở thành điển hình làm kinh tế giỏi

Ở đâu và phát triển mô hình gì ở Cà Mau cũng có Đảng viên đi đầu để làm tấm gương sáng, cùng người dân địa phương phát triển kinh tế.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau có hai vùng mặn và ngọt. Ở vùng mặn kinh tế của người dân chủ yếu là nuôi tôm còn ở vùng ngọt thì các mô hình kinh tế đa dạng hơn như trồng lúa, trồng rừng hay cây ăn trái. Nhưng ở đâu, phát triển mô hình gì cũng có Đảng viên đi đầu để làm tấm gương sáng, cùng người dân địa phương phát triển kinh tế.

Năm 2009, khi ở xã Việt Thắng (huyện Phú Tân, Cà Mau) chưa ai thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, gia đình ông Nguyễn Anh Bé (Út Bé) đã đi đầu thực hiện. Khởi sự cũng lắm gian nan nhưng từ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, người Đảng viên – Út Bé đã trở thành tỷ phú hiếm hoi nhờ nuôi tôm thâm canh ở địa phương sau chỉ 2 năm.

Ông Út Bé đi đầu nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh để mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Ông Út Bé đi đầu nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh để mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Thời điểm đó, ông Út cũng là Trưởng ấp Dân Quân. Ông đã vận động và hỗ trợ bà con địa phương cùng đi lên bằng mô hình này. Năm 2013, là một năm đáng nhớ với người Đảng viên Út Bé khi mô hình giúp gia đình có lãi hơn 4 tỷ đồng và nhiều hộ nuôi khác tại địa phương học theo thực hiện cũng trở nên khá giả. Đến năm 2015, khi mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mới khởi phát tại huyện lân cận, ông Út một lần nữa “cắp cặp” đi học và tiếp tục đi đầu thực hiện để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao hơn.

Nhiều năm nay, gia đình ông Út Bé luôn có lãi hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Để cùng người dân vươn lên, ông Út đăng ký thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm Tiến Phát và hiện nay là Hợp Tác xã nuôi tôm Tiến Phát. Người Đảng viên và cũng là Giám đốc Hợp tác xã đã luôn hết mình hỗ trợ bà con cùng làm giàu.

“Nuôi tôm quảng canh truyền thống hiệu quả thấp nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh, sau đó là siêu thâm canh. Mình làm thành công sau đó vận động bà con địa phương cùng làm và thành lập hợp tác xã. Nhìn chung trong hợp tác xã, các xã viên đều nuôi thành công, giúp cho xóm ấp phát triển”, ông Nguyễn Anh Bé chia sẻ.

Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Cà Mau lần thứ VI (2020 – 2025), được tỉnh Cà Mau tổ chức vừa qua, ông Quách Thanh Sử (Mười Sử, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) là một trong số ít những người đại diện cho vùng đất rừng U Minh hạ của tỉnh Cà Mau tham dự. Người Đảng viên này được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch miệt vườn ngay tại vùng đất chỉ có cây lúa, cây rừng.

Vùng đất lão nông Mười Sử canh tác vốn bạt ngàn rừng tràm. Sau đó, người dân khai phá để trồng lúa, hiện nay bà con nuôi tôm nhưng ông Mười Sử luôn đi đầu và làm ngược lại để có thành công. Từ khoảng năm 1990, khi nhà nhà, người người còn đang trồng lúa thì người Đảng viên đã chuyển đổi qua trồng cây ăn trái.

Khi nhiều nông hộ học theo gia đình ông phát triển trồng cây ăn trái thì nước mặn tràn về đồng ngọt, họ buộc phải chuyển đổi qua nuôi tôm. Tuy nhiên, ông không chịu khuất phục và đã tìm được cách giữ vườn cây ăn trái tươi tốt của gia đình.

Theo ông Mười Sử, chỉ với cây giá (leng) trong tay, ông đã tiến hành đào bờ, bao vườn cây ăn trái của gia đình lại. Bên ngoài ông đắp bờ lớn, bên trong ông bao thêm một bờ nhỏ. Ông Sử đã sáng tạo đã giữ mực nước ngọt trong mô hình nhà mình luôn cao hơn vùng mặn xung quanh để hình thành trong đó 2 khu ngọt và lợ. Khu ngọt ông trồng cây ăn trái, nuôi cá đồng; khu lợ ông trồng bồn bồn, nuôi tôm,...

Ông Mười Sử có nguồn thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch trong vùng đất U Minh hạ.

Mô hình của gia đình ông trở thành “của hiếm” tại vùng đất rừng U Minh. Từ đó, gia đình mở cửa cho người dân tham quan và dùng các sản phẩm sạch trong mô hình nhà mình chế biến, phục vụ khách. Người Đảng viên Mười Sử là một trong số ít những người làm du lịch cộng đồng đầu tiên và mở ra hướng đi mới cho vùng đất U Minh hạ. Chia sẻ bí quyết thành công của mình, người Đảng viên, cựu chiến binh Mười Sử khiêm tốn nói, đơn giản là học theo gương Bác Hồ.

“Làm gì tôi cũng luôn học theo tấm gương của Bác và nằm lòng câu nói “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Khi đã tâm đắc như thế thì mình dù có cực khổ cỡ nào cũng không nản, khi sống ở vùng đất này phải nghiên cứu, tìm tòi để trên cùng 1 diện tích đất làm sao tăng năng suất cao nhất”, ông Mười sử chia sẻ kinh nghiệm thành công.

Tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn 2015 – 2020 đã đạt những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế đã đạt 60.000 tỷ đồng. Trong đó, những đóng góp của ông Mười Sử, Út Bé không lớn nhưng những đóng góp của toàn bộ hơn 48.500 Đảng viên của tỉnh là rất lớn. Bởi đã có rất nhiều Đảng viên, bên cạnh việc dấn thân phục vụ đã luôn nỗ lực phát triển kinh tế, trở thành những hình mẫu để nhân dân noi theo. Những người Đảng viên như ông Mười Sử, ông Út Bé đã trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Họ đã mở ra hướng đi mới, giúp bà con miền quê mình cùng vươn lên, qua đó góp phần đưa tỉnh Cà Mau ngày càng đi lên giàu đẹp./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dang-vien-o-ca-mau-di-dau-tro-thanh-dien-hinh-lam-kinh-te-gioi-812897.vov