Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 11/10, tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (thuộc tổ công tác số 1) về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…; cùng lãnh đạo 5 địa phương khu vực miền Trung trong tổ công tác số 1.

Nhiều vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch vốn Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 55.718,3 tỷ đồng, các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỷ đồng.

Ước thanh toán tính đến ngày 30/9, các địa phương thuộc tổ công tác số 1 giải ngân 25. 746,9 tỷ đồng (đạt 46,21%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền trung (52,99%).

Cụ thể, Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng (đạt 58,47%); Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng (đạt 48,27%); Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng (đạt 40,99%); Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng (đạt 33,40%); Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng (đạt 69,37%).

“Trong số 5 địa phương trên, có 3 tỉnh thành gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định có tỷ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước và ngược lại, 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân thấp hơn hẳn. Trong đó, Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch”, ông Trung thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, 5 địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Nguyên nhân chính là ảnh hưởng tới công tác bồi thường, GPMB như việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn do tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay, lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng… Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới của Luật Đất đai.

Vướng mắc liên quan tới năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu. Việc đăng ký bố trí vốn của một số chủ đầu tư chưa phù hợp với khả năng và tiến độ triển khai thực tế; Năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu, chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế của dự án; Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, còn thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tham gia góp ý tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Huy).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tham gia góp ý tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Huy).

“Nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét”, Thứ trưởng Trung nói.

Kiến nghị gỡ vướng để “về đích”

Tại cuộc họp, lãnh đạo 5 địa phương trong tổ công tác số 1 đã trình bày những khó khăn về việc giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tuy nhiên, qua các buổi kiểm tra nhận thấy việc giải ngân chậm do một số nguyên nhân.

Cụ thể, công tác GPMB kéo dài do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác GPMB còn thiếu, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp; Tình trạng thiếu đất đắp nền và cát xây dựng, nên các đơn vị thi công tiếp cận với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán…

Đặc biệt, đặc thù tỉnh Quảng Nam có đến 9/18 huyện miền núi, trong khi đó giai đoạn từ tháng 10 - 12 hằng năm điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn, đặc biệt là các dự án giao thông. Ngoài ra, 8 tháng đầu năm tỉnh phải củng cố chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Thời gian dài khuyết lãnh đạo ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nêu những khó khăn và kiến nghị Chính phủ các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: Công Huy).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nêu những khó khăn và kiến nghị Chính phủ các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: Công Huy).

“Địa phương sẽ tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm phấn đấu giải ngân 95% theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng do T.Ư quản lý trên địa bàn tỉnh khá lớn nên hiện vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình như: QL1, QL14G, QL14B, QL40B, QL40B, QL14H.

“Tuyến QL14D là tuyến đường thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam với nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan, hiện tại quy mô tuyến đường còn nhỏ, kết cấu rất yếu, chưa đảm bảo cho vận chuyển hàng hóa, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nên kính đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bố trí nguồn vốn để mở rộng QL14D trong năm 2024, 2025 hoặc thời kỳ 2026-2030”, ông Dũng kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho hay, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm nguyên nhân chính vẫn là vướng mắc trong công tác GPMB. Hiện địa phương có 30 dự án lớn bị vướng mặt bằng do công tác xác định giá đất chưa hoàn thành; việc triển khai Luật đất đai năm 2024 còn lúng túng. Nhiều dự án chưa xác định được nguồn gốc đất khiến người dân không chịu nhận bồi thường, người dân không giao đất gây cản trở việc thi công. Ngoài ra, một số dự án tạm thời không triển khai được do phải khắc phục theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra….

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang kiến nghị tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang kiến nghị tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy).

“Tâm lý e dè, sợ sai của một số chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn cũng như chưa mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện”, ông Giang nói.

Ông Nguyễn Hoàng Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh nội bộ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách T.Ư của tỉnh là hơn 220 tỷ đồng để có cơ sở cho địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 trước ngày 15/11/2024, để thực hiện giải ngân kịp thời...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đồng thời giao các Bộ, ban ngành tiếp nhận những kiến nghị thuộc lĩnh vực mình phụ trách để sớm có hướng giải quyết phù hợp. Trong đó lưu ý đến các vấn đề liên quan đến giá đất, giá VLXD biến động...

Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ những khó khăn trong công tác giải ngân của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khi có sự biến động về công tác tổ chức cán bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Huy).

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Huy).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2024, Phó Thủ tướng thường trực đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát tình hình của địa phương để có kế hoạch giải ngân đạt tiến độ đề ra; xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung đôn đốc giải ngân đối, nhất là với các công trình trọng điểm; khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng, trước mắt tập trung ưu tiên nguồn VLXD cho các công trình lớn, trọng điểm;

Tỉnh hỗ trợ tăng cường cán bộ có năng lực cho các huyện không chỉ để thực hiện nhiệm vụ giải ngân mà còn phụ trách ở các lĩnh vực KT-XH khác, nhằm nâng cao đời sống các vùng khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó đề nghị các địa phương nghiên cứu mô hình thành lập các Tổ công tác như Quảng Nam hiện nay...

“Các địa phương quyết liệt hơn nữa, đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công. Từ nay đến hết nhiệm kỳ thời gian không còn nhiều, cần phải tháo gỡ tất cả các khó khăn để tạo đà năm 2025 có tốc độ tăng trưởng vượt trội, đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhiệm kỳ”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Vân Anh - Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-lam-viec-voi-5-tinh-thanh-mien-trung-ve-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post528319.html