Phó Thủ tướng Thường trực dự Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2020

Tối 25/6, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp, Đài Tiếng nói Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV năm 2020.

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé cùng đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương tới dự.

Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng ngày hội lớn của những người làm báo phát thanh cả nước. Phó Thủ tướng chúc những người làm báo, đặc biệt là những người làm “báo nói” luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, xứng đáng với truyền thống 95 năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam, với sự tin yêu của Đảng và nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vận nước còn ngàn cân treo sợi tóc, với trí tuệ và tầm nhìn sáng suốt tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng, một nhà văn hóa lớn, Bác Hồ đã chỉ thị “Phải gấp rút thành lập Đài Phát thanh Quốc gia càng sớm càng tốt”, coi đó là nhiệm vụ “cấp bách nhất”.

Năm ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào ở Quảng trường Ba Đình, đúng 11h30’ ngày 7/9/1945, từ Thủ đô Hà Nội, lời xướng “Đây là tiếng nói Việt Nam…” đã vang lên đầy kiêu hãnh, tự hào, đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh Quốc gia và ngành phát thanh cả nước sau này. Tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp, ngày 1/12/1947, Chính phủ đã quyết định thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến. Những sự kiện trên là tiền đề để năm 1970, Ban Vô tuyến truyền hình, tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam và ngành truyền hình cả nước ra đời. Từ chương trình đầu tiên, đến nay, ngành phát thanh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh với 1 đài quốc gia và 63 đài PT-TH ở các địa phương.

“Phát thanh đã và đang tiếp tục là một loại hình báo chí truyền thông quan trọng và hiện đại trong đời sống báo chí sôi động của cả nước, phản ánh ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người dân, là cầu nối với nhân dân thế giới, làm cho nhân dân các nước hiểu và ủng hộ Việt Nam. Phát thanh luôn là người bạn gần gũi với mọi người, mọi nhà, từ người lãnh đạo, quản lý đến người dân; từ người cao tuổi đến lứa tuổi thanh thiếu niên; từ người lao động bình dân đến giới trí thức, văn nghệ sĩ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, phát thanh Việt Nam ngày càng khẳng định là một kênh thông tin hết sức quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần thiết thực vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; của cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, phát huy thế mạnh là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước.

“Liên hoan Phát thanh toàn quốc được Đài Tiếng nói Việt Nam khởi xướng, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 với từng chủ đề riêng biệt cho mỗi kỳ. Tôi đồng tình cao với chủ đề của Liên hoan lần này là “Phát thanh đổi mới và đa dạng”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh đó là đổi mới về nội dung, cách tiếp cận vấn đề, đa dạng về thông tin, cách thể hiện, về công nghệ để sản phẩm đến với công chúng một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Chủ đề đó khẳng định rõ phát thanh luôn đổi mới - đa dạng và gắn liền với thông điệp của Ngày Phát thanh thế giới (13/2) năm nay được UNESCO lựa chọn là “Phát thanh và sự đa dạng”.

Theo đó, thông qua các hoạt động tại Liên hoan lần thứ XIV, những người làm phát thanh trong cả nước sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, hiện đại hơn, với mục tiêu phục vụ công chức ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng năm nay thế giới đi vào một giai đoạn bước ngoặt với những thách thức nghiêm trọng, chưa từng có của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng toàn cầu. Báo chí, trong đó có phát thanh, đã một lần nữa thể hiện vai trò tiên phong của mình, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Công nghệ số ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất của báo chí truyền thông. Báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là việc tích hợp các loại hình báo chí phát thanh - truyền hình, điện tử và báo in. Mô hình quản trị dựa trên việc phân chia theo nền tảng truyền thông vốn thuận tiện nay trở thành trở ngại trong việc kết nối tương tác, chưa phát huy hết được sức mạnh tổng hợp về nguồn lực, nhưng đây cũng là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển. Bản thân các cơ quan báo chí và những người làm báo, trong đó có phát thanh cũng cần nhận thức rõ, biến nguy thành cơ.

Ban Giám khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Qua đại dịch COVID-19 cần tiếp cận nhanh với tiến bộ của báo chí hiện đại, chủ động thích ứng với những công nghệ làm báo mới và sự thay đổi của công chúng hiện nay. Chúng ta cần nắm bắt và tận dụng tối đa những tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật trong tác nghiệp sản xuất phát sóng chương trình và tương tác với công chúng. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận người nghe đài trên cả sóng phát thanh truyền thống và các nền tảng công nghệ mới. Để làm được điều này đòi hỏi các nhà quản lý nhà báo, kỹ sư, kỹ thuật viên phải liên tục sáng tạo học hỏi để nâng cao trình độ mọi mặt.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng Liên hoan lần này là một hoạt động rất có ý nghĩa được tổ chức tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - nơi có Khu Di tích lịch sử-văn hóa và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây là một lựa chọn rất có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ. Đây cũng là ngày hội lớn, là dịp để những người làm phát thanh trên cả nước thể hiện cao nhất tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, tạo ra những thay đổi tích cực cho thể loại báo nói.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đã nổi hồi trống khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV - 2020.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/pho-thu-tuong-thuong-truc-du-lien-hoan-phat-thanh-toan-quoc-nam-2020/398947.vgp