Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về giải pháp của Việt Nam trước 'cuộc chiến' thương mại Mỹ - Trung

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án cần thiết để đảm bảo kinh tế phát triển trước diễn biến phức tạp từ cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong phiên họp sáng nay (6-6), đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho biết, "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung "đang hồi quyết liệt", vậy thái độ ứng xử và hành động của chúng ta như thế nào cho hiệu quả?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung là vấn đề được cả thế giới quan tâm, bởi nó tác động tới kinh tế khu vực và thế giới. Các tổ chức thương mại quốc tế đánh giá nếu cuộc cạnh tranh này còn kéo dài thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới đang từ 3,5% có thể giảm xuống 3,2%; cung cầu về thương mại cũng sẽ ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 6-6

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 6-6

Với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn, biến động của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế chúng ta.

Ngay khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra năm 2018, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, lập ban chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá tình hình và đề xuất chính sách.

Về ngắn hạn, cuộc cạnh tranh này có thể thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng song cũng có thể ảnh hưởng nguồn cung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Có những đánh giá hiện nay cho thấy, Việt Nam có thể giảm 0,2-0,3 điểm, trong 5 năm tới có thể giảm GDP của chúng ta tới 6.000 tỷ đồng bởi cuộc cạnh tranh thương mại này.

“Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tới thương mại thế giới và lâu dài sẽ tác động tới Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động trực tiếp tới kinh tế thế giới

Về giải pháp, Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án cần thiết để đảm bảo kinh tế phát triển, duy trì kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam trong xuất nhập khẩu.

“Tình hình hiện nay mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, cần chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực chúng ta ưu tiên, đảm bảo thân thiện môi trường và hết sức cảnh giác, hàng hóa quốc tế thông qua thị trường Việt Nam để tránh thuế, gian lận thương mại”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Về chất vấn “lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông” của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở, lịch sử, pháp lý khẳng định Việt Nam có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; có đầy đủ quyền lợi về kinh tế trên vùng đặc quyền kinh tế trên 200 hải lý.

“Quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đảm bảo chủ quyền trên các vùng đảo chúng ta quản lý; chủ trương việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và đặc biệt không được dùng vũ lực làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng biển chưa phân định được đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) đề cập, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định quan điểm của Chính phủ là bảo hộ, bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

“Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các nước khi họ có hành vi bắt bớ ngư dân Việt trong các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu họ thả ngư dân và bồi thường thiệt hại”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết, vừa qua, xảy ra một số vụ việc bắt giữ ngư dân Việt Nam trong các vùng tranh chấp, vùng biển chưa phân định, Bộ Ngoại giao đều có phản ứng, yêu cầu họ đối xử nhân đạo, thả ngư dân ta và đền bù thiệt hại.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-noi-ve-giai-phap-cua-viet-nam-truoc-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung/813215.antd