Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện.

Chiều 29/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực để đánh giá tình hình cung ứng điện, kiểm điểm việc thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện; cho ý kiến về các nội dung hoàn thiện Quy hoạch điện 8 và các cơ chế, chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư trong năm nay là 54 dự án với tổng công suất khoảng 59.712 MW. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 10 dự án; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện 9 dự án; Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam thực hiện 4 dự án và các dự án BOT có 14 dự án.

Trong quá trình triển khai có một số dự án triển khai còn chậm so với kế hoạch như: chưa xây dựng được phương án cụ thể; vướng mắc về thu xếp vốn đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lưới điện chưa hiệu quả.

Đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý đối với các dự án.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ Trưởng Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng và áp dụng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với các chủ đầu tư, các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp và các địa phương. Đồng thời chỉ đạo xây dựng cơ chế xử lý các dự án điện chậm tiến độ, thường xuyên ra soát để có giải pháp điều chỉnh hoặc thay thế các dự án không triển khai trong thực tế để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các bộ, ngành và các tập đoàn đã bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống nhân dân, qua đó bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt là đã đưa được 3 nhà máy điện lớn vào sản xuất như: Nhà máy điện Sông Hậu, Nghi Sơn và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời hoàn thành Quy hoạch Điện 8 trình Chính phủ.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số hạn chế như: Một số dự án trọng điểm ngành điện triển khai chậm so với kế hoạch, kết quả chưa có nhiều chuyển biến; Cách làm một số việc chưa thật sự đổi mới; một số việc hành chính hóa, không rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung cao độ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ ngành mình; đôn đốc tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục, phối hợp chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh các công việc theo phân công.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đề nghị Bộ Công thương cùng chỉ đạo PVN và EVN quyết tâm thật cao và xây dựng tiến độ cho các nhà máy đang xây dựng như: Quảng Trạch, Hòa Bình, nhất là Long Phú. "Khó mấy cũng phải làm bởi Thủ tướng đã kết luận rồi. Tôi đề nghị những nhà máy đã, đang triển khai ở công trường thì phải có tiến độ cụ thể, còn khó đâu thì chúng ta tháo gỡ ở đó. Phấn đầu từ nay đến năm 2025 phải lên được một danh mục những công trình sẽ khởi công”.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, có nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để các dự án điện nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách sớm đưa vào vận hành theo tiến độ, đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước../.

Việt Cường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-le-van-thanh-chu-tri-hop-thuc-hien-cac-du-an-trong-diem-nganh-dien-post974109.vov