Phó Thủ tướng: Không tinh giản biên chế, khó cải cách tiền lương

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 17-10 nhấn mạnh nếu không tinh giản biên chế thì không thể có nguồn lực để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức; bên cạnh đó cải cách tiền lương phải tính đến việc trả lương theo vị trí việc làm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc-Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc-Ảnh: Hải Nguyễn

Sáng 17-10, Đoàn khảo sát số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công với cách mạng, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo làm trưởng đoàn, đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiền lương và chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó. Trung ương đã đặt ra từ nhiều hội nghị khác nhau và chúng ta cũng đã trải qua nhiều đợt cải cách chính sách tiền lương.

Phó Thủ tướng cho rằng cải cách tiền lương không chỉ liên quan đến tiền lương cơ bản, lương tối thiểu, mà còn liên quan đến nhiều chính sách, đối tượng khác nhau. Tương tự như vậy là chính sách BHXH cũng liên quan mật thiết đến người lao động (NLĐ).

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mỗi lần trình đề án cải cách tiền lương thì vấn đề quan trọng là nguồn nguồn lực kinh phí để cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải dựa trên tinh thần sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế. "Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó để thực hiện cải cách tiền lương"- Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, việc trả lương theo vị trí việc làm cũng rất đáng quan tâm.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng cần phải trả lương theo vị trí việc làm. Còn về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương, ông Cường cho rằng "phải tinh giản biên chế nếu không sẽ rất khó thực hiện được".

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong những năm qua, chính sách tiền lương đã góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, tạo động lực, kích thích hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) rèn luyện nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn; góp phần nâng cao đời sống CBCCVC.

Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra rằng tiền lương của CBCCVC vẫn ở mức thấp so với khu vực ngoài nhà nước, chưa đảm bảo cho họ và gia đình có mức sống trung bình khá trong xã hội.

Tiền lương, tiền công, phụ cấp và thu nhập của CB,CC,VC chưa là nguồn thu nhập chính, chưa tạo động lực, nhất là đối với người có năng lực, trình độ, chuyên tâm cống hiến hết mình trong công việc, do đó chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Đối với người lao động, nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Đối tượng tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn. Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp...

Đến năm 2019 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu

Theo ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay thu nhập trung bình của người lao động trong doanh nghiệp, không kể ăn ca là 5,5 triệu đồng/tháng; còn lương để tính đóng BHXH năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng.

Để tăng thu nhập người lao động phải làm thêm hoặc tăng ca nhưng mức thu nhập cũng chỉ thêm khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/tháng, số tiền này chiếm 20%-30% thu nhập hàng tháng của người lao động. Nếu không có khoản làm thêm thì tiền lương rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, không có tích lũy.

Qua khảo sát cho thấy chỉ có 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ, 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có thể tích lũy từ tiền thu nhập.

Do đó Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị sớm nghiên cứu, ban hành Luật tiền lương tối thiểu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu nêu trong Bộ luật Lao động theo hướng tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.

Hội đồng Tiền lương cần công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/pho-thu-tuong-khong-tinh-gian-bien-che-kho-cai-cach-tien-luong-20171017130653177.htm