Phó Thủ tướng: Không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui

Ngày 12/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và phát biểu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thu ngân sách Nhà nước tăng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán, thu dầu thô đạt 68% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán.

Cả thu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán, với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng) và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7.000 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm.

Bộ Tài chính đã phối hợp tích cực với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành ngân quỹ nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy mạnh thu - chi ngân sách Nhà nước không dùng tiền mặt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, giảm chi phí cho công tác điều hành tiền tệ.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp được chú trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 63 phòng thuộc các Cục thuế; hợp nhất các Chi cục thuế huyện thành Chi cục thuế khu vực của 25 Cục thuế, giảm được 84 Chi cục thuế và 436 đội thuộc các Chi cục thuế.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu bối cảnh quốc tế có nhiều tác động bất lợi, nền kinh tế trong nước cũng gặp không ít khó khăn, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tới 62/63 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp, lơ là, chưa làm hết trách nhiệm, còn có thái độ giữ mình, trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần, thái độ chủ động, tích cực của Bộ Tài chính và ngành Tài chính trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc quyết liệt rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, là một trong những Bộ thành công đi đầu trong sắp xếp tinh giản biên chế, bộ máy.

Những kết quả đạt được góp phần quyết định cho thành công chung của cả nước trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Giải ngân vốn đầu công còn rất chậm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của các bộ, ngành, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong 6 tháng qua, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra là đã xuất hiện khó khăn trong thu ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm, như thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân có xu hướng thâm hụt so với 6 tháng đầu năm.

Việc thu ngân sách ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm đạt thấp, như Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt hơn 48%.

“Thách thức về việc hoàn thành kế hoạch thu ngân sách 2019 vẫn còn phía trước, chúng ta cần phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành và vượt so với dự toán Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trong quản lý thu còn tình trạng nợ đọng, trốn thuế, thất thu thuế, gian lận thương mại.

Tình trạng chuyển giá, kê khai thuế thiếu còn xảy ra ở nhiều nơi. Giải ngân vốn đầu công còn rất chậm, nhất là vốn ODA, tỷ lệ giải ngân 6 tháng thậm chí thấp hơn cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 32,4% dự toán.

Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, trong đó có vai trò phối hợp của Bộ Tài chính, đây là điểm nghẽn chưa gỡ được, ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm, thu ngân sách, thu nhập của người lao động.

Phó Thủ tướng nêu một thực tế, cần sớm thanh toán các khoản nợ của Chính phủ cho các nhà thầu, vì khối lượng hoàn thành không thanh toán được, sẽ thiệt đơn, thiệt kép.

“Công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, còn văn bản không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kịp thời trình lên Thủ tướng bãi bỏ, xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật đang có vướng mắc”, Phó Thủ tướng chỉ rõ tồn tại của Bộ Tài chính.

Không lùi bước trước khó khăn

Nhấn mạnh bối cảnh tình hình kinh tế thế giới thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, sẽ phần nào tác động đến nền kinh tế nước ta, Phó Thủ tướng nhắc nhở ngành tài chính không được chủ quan.

“Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, chưa điều chỉnh chính sách vĩ mô, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu, tinh thần là phải tiến lên, kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% Quốc hội giao, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, quyết tâm hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, tạo tiền đề thực hiện thành công cho cả giai đoạn 2016 – 2020”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, về dài hạn, cần rà soát lại tỷ lệ động viên ngân sách, có đường hướng dài hạn điều chỉnh chính sách thu, một mặt nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng cũng tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực.

“Lĩnh vực tài chính chặt chẽ nhưng phải thông thoáng, tài chính như mạch máu, tắc ở đâu là tắc hết cả nền kinh tế, bài toán này rất khó”, Phó Thủ tướng chỉ rõ, đồng thời đặt ra yêu cầu khơi thông các động lực tăng trưởng để nuôi dưỡng nguồn thu.

Trước mắt, Bộ Tài chính khẩn trương trình Quốc hội nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh để phát triển thành doanh nghiệp.

Đồng thời, ngành Tài chính phải tăng cường quản lý thuế, áp dụng thuế điện tử, hóa đơn điện tử; hoàn thành dự toán thu, không để địa phương nào hụt thu.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh thanh toán đầu tư công, nhất là giải ngân vốn ODA; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhắc lại vấn đề doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu với số lượng lớn (lên đến 110.000 tỷ đồng), lãi suất cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “chưa nói đúng, sai, nhưng phải kiểm tra lại xem có tuân thủ Nghị định 163/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước)”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán, các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo về tình trạng bất thường này để có hướng dẫn xử lý.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chấn chỉnh việc chi tiêu lãng phí, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, tăng cường quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về chống lảng tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, xử lý nghiêm vi phạm; nhất là tăng cường kiểm soát việc tạm nhập tái xuất, chuyển kho ngoại quan, lợi dụng nhập khẩu hàng hóa nước khác vào lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi các nước, truy và xử lý nghiêm để răn đe.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập “bộ lọc” để lựa chọn dự án FDI có công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng của các doanh nghiệp FDI.../.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/pho-thu-tuong-khong-khoan-nhuong-voi-hien-tuong-dau-tu-chui/127901.html