Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí

Chiều 12/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề được các ĐBQH nêu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt.

Để công nghệ thông tin phát triển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 trụ cột cốt lõi: hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin như AI, internet vạn vật, điện toán đám mây…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: Quốc hội

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu. Ảnh: Quốc hội

Về nhóm vấn đề báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.

Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại.

"Phải định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế", Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đã có 36 ĐBQH chất vấn, 9 đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực.

"Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-tang-cuong-co-che-tai-chinh-cho-co-quan-bao-chi-post1134968.vov