PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÌNH ĐÌNH DŨNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 06/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về nguyên nhân, giải pháp ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu rõ, vừa qua, bão số 9 và mưa lũ đã gây ra hàng loạt các vụ sạt, lở đất, cướp đi nhiều tài sản và sinh mạng của người dân tại các tỉnh miền Trung. Công tác cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai tích cực nhưng có ý kiến cũng cho rằng chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu. Đại biểu đặt câu hỏi, với vai trò là Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có những giải pháp căn cơ gì để khắc phục trong thời gian tới?

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho biết hiện nay có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân của lũ, lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung. Do đó đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết thực chất nguyên nhân của là thiên tai hay nhân tài và giải pháp của Chính phủ như thế nào để bảo đảm sự an toàn của Nhân dân?

Đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời về trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành chính sách di dời người dân ra khỏi vùng dễ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; đề nghị cho biết thông tin về việc ban hành và thực hiện chính sách này; và khi nào Phó Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để chủ động trong công tác phòng tránh, nhằm giảm thiệt hại cho người dân?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương –Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cũng đặt vấn đề về nguy cơ biến đổi khí hậu Việt Nam diễn ra bất thường, gây nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện, đồi núi, sông ngòi. Thực tế hằng năm, kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, đợt mưa lũ lớn kéo dài cùng với cơn bão số 9 là 1 trong 3 cơn bão mạnh nhất từ 20 năm trở lại đây. Thiệt hại của đợt mưa lũ và bão ở miền Trung rất nặng nề. Với sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung để chỉ đạo và được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, của hệ thống thông tin truyền thông, các nhà báo vào cuộc rất quyết liệt. Do đó, phần nào đã giảm thiểu thiệt hại.

Hiện nay tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão, lũ, sạt lở đất đang thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, châu Á là một khu vực chịu đựng thiệt hại nặng nề nhất. Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng, như Nhật Bản, một đất nước phát triển, mà trong 10 năm qua số vụ sạt lở đất tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước và mỗi năm bình quân Nhật Bản có khoảng 1.500 vụ sạt lở đất và gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Mưa lũ và sạt lở đất đã thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, v.v. và trong đó có Việt Nam.

Tập trung vào những nguyên nhân chủ quan do con người gây ra được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết:

Thứ nhất liên quan đến chất lượng rừng. Trong năm vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng Việt Nam đã được phục hồi nhanh chóng. Năm 1945, có 43% tỷ lệ che phủ rừng, nhưng đến năm 1995 do chiến tranh và sau đó là do phát triển kinh tế cho nên rừng chỉ còn lại 28%. Đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên chất lượng rừng của nước ta còn thấp. Làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đến năm 2019 diện tích rừng tăng khoảng 13% cho nên chất lượng rừng là rừng mới. Hơn nữa, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi như báo chí đang đưa tin và có nhiều vụ phải đưa ra pháp luật. Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thứ hai về đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi, những công trình giao thông, công trình điện, công trình đường ống, v.v. đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất, nhất là các tuyến đường khi chúng ta đi trong mùa mưa lũ thì thường xuyên gặp phải sạt lở đất ở trên đường, rất nguy hiểm. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng khác đã gây cản trở lũ và làm cho lũ dâng cao.

Thứ ba, việc xây dựng các công trình nhà ở, các khu dân cư, các bệnh viện, trường học, các cơ sở tại các khu vực miền núi không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là về yếu tố địa chất. Đây cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất, đá khi có mưa lũ xảy ra.

Thứ tư, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn của hạ du.

Nước ta hiện có trên 7.500 hồ, đập thủy lợi và thủy điện, đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích là 70 tỷ m3 nước. Có khoảng 437 đập, hồ thủy điện đang hoạt động khai thác. Những năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ. Đặc biệt, các công trình lớn như hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, hồ Kẻ Gỗ, Sông Tranh, v.v. các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, trừ trường hợp lũ lớn quá thì phải xả, nhưng lượng nước xả ra cho phép bằng lượng nước lũ vào hồ. Điều tiết nước trong mùa cạn còn góp phần tạo nguồn điện rất lớn. Tổng công suất thủy điện hiện nay tiềm năng là 36.000MW và tổng khả năng khai thác của chúng ta là 26.000MW. Hiện nay, chúng ta đã khai thác được 20.000MW, chiếm trên 30% tổng công suất nguồn điện. Nguồn điện thủy điện là nguồn điện sạch, giá rẻ, vận hành thuận lợi và đây là nguồn tài nguyên của đất nước. Nó khác với nguồn khí điện khí hóa lỏng, điện than, v.v. chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp của nước ngoài. Do đó, các công trình thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, hiện nay xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi có tác động tiêu cực đến môi trường. Vì các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực miền núi, trung du, đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Thứ năm, về lực lượng tìm kiếm cứu nạn của đã huy động được lực lượng Trung ương, địa phương, đặc biệt là lực lượng của quân đội, công an với phương châm 4 tại chỗ, nhưng chưa có lực lượng ứng phó với thiên tai, ứng phó tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, nhất là ở cơ sở. Lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm và thiếu các phương tiện chuyên nghiệp hiện đại. Do đó, chúng ta rất chậm để tiếp cận với những điểm sạt lở, những điểm nguy hiểm rất cần phải nhanh, từ đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đại biểu Bùi Thị Thủy Đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chất vấn về việc ban hành chính sách di dời người dân ra khỏi vùng dễ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét và việc xây dựng bản đồ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét

Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, về các nhiệm vụ dài hạn thì phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai trong đó tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai.

Hai là, rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ gây sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn mặn; tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch lĩnh vực và các quy hoạch tỉnh gắn với việc ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ứng phó với phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án trọng điểm, dự án ưu tiên để đầu tư trước trong điều kiện kinh phí còn khó khăn.

Ba là xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và đã thực hiện, nhưng hiện nay tỷ lệ bản đồ này chưa phù hợp với các khu vực, mới chỉ ở tỷ lệ cao, tỷ lệ lớn, chưa có tỷ lệ nhỏ. Cho nên chưa xác định chính xác được những điểm sạt lở mà chúng ta phải di dời dân và kinh nghiệm của các nước phát triển thì việc di dời dân trước khi bị sạt lở đất là yêu cầu số 1 để đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, kịp thời để sơ tán khẩn cấp người dân trước khi có sạt lở đất, lũ quét như kinh nghiệm của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập dự án, quản lý quá trình đầu tư xây dựng đến khâu vận hành, khai thác, sử dụng, v.v. như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ như các vị đại biểu quan tâm, yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải đánh giá được cái lợi, cái hại, nếu lợi nhiều, hại ít thì chúng ta làm, lợi ích ít, hại nhiều thì kiên quyết không làm.

Năm là, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, đê điều; đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển; rà soát, sửa chữa, cải tạo các công trình giao thông gây cản trở thoát lũ; đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

Sáu là, tiếp tục đầu tư chương trình nhà ở vùng lũ của 14 tỉnh miền Trung duyên hải từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận. Chương trình này đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả nhưng hiện nay hỗ trợ còn rất ít. Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn Quốc hội cần bố trí vốn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ cao hơn cho khu vực này.

Bảy là, nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cơ sở, vì nơi này có thể thực hiện nhanh 4 tại chỗ. Đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, đặc biệt như máy bay trực thăng, các tàu lớn nhưng phải được thường xuyên diễn tập, phải giao cho một cơ quan tìm kiếm cứu nạn quản lý, không làm nhiệm vụ kiêm nhiệm như hiện nay. Quán triệt nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.

Tám là, lồng ghép đầu tư trong công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Chín là, kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai rất lớn. Với tiềm lực kinh tế của chúng ta phải mất rất nhiều thời gian, nhiều năm để có thể hoàn thành được cái nhiệm vụ này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, cho nên Chính phủ sẽ từng bước trình Quốc hội về nhu cầu chi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn để bảo vệ người dân./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49722