Phó Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu sửa nghị định, 'cởi trói' cải tạo chung cư cũ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015/NĐ-CP (Nghị định 101) ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định

Đây là một trong những nhiệm vụ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng thực hiện được nêu tại thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các đô thị lớn thời gian qua, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác này còn gặp khó khăn, bất cập. Đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô.

Khu tập thể tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) gần 50 năm tuổi, từ năm 2016 đã được kiểm định ở mức 3 tình trạng nguy hiểm, tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu đến nay chưa được kiểm định đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng, xập xệ

Khu tập thể tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) gần 50 năm tuổi, từ năm 2016 đã được kiểm định ở mức 3 tình trạng nguy hiểm, tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu đến nay chưa được kiểm định đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng, xập xệ

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có hơn 600 nhà chung cư, tương đương khoảng 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm (phân loại cấp C,D). Thế nhưng, 10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).

Riêng Hà Nội dẫn đầu với khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. UBND thành phố Hà Nội đã giao gần 20 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ. Ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1.

Hàng loạt bất cập

Như VietNamNet phản ánh, khu tập thể 3 tầng với 4 dãy nhà nằm ở mặt phố Lê Hồng Phong phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) được xây dựng từ những năm 1970, đến nay đã xuống cấp xập xệ. Dù đã được chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc khoảng giữa năm 2018 nhưng từ đó đến nay tiến độ thực hiện vẫn ì ạch.

Trong năm 2018, UBND quận Hà Đông và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đã 3 lần tổ chức hội nghị nhà chung cư trong đó tại hội nghị lần 3 có gần 70% chủ sở hữu đồng ý lựa chọn để Công ty CP Xuân Mai làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội qua 3 lần tổ chức Hội nghị nhà chung cư Công ty CP Xuân Mai chưa được tất cả các chủ sở hữu thống nhất (100%) theo quy định tại Khoản 3 điều 110 Luật Nhà ở năm 2014.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản quy định này là một trở ngại cho việc quyết định phá dỡ nhà chung cư cũ.

Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 quy định: Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được tất cả (100%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư gây trở ngại cho việc quyết định phá dỡ nhà chung cư cũ

Liên quan đến quy định này, thời gian vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong đó đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện kế hoạch xây dựng lại chung cư cũ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, trước đây, Luật Nhà ở 2005 đã quy định tại Khoản 2 Điều 89: "Việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được 2/3 (khoảng 66%) tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý", đã giúp cho công tác phá dỡ nhà chung cư cũ được tiến hành nhanh hơn. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ trong Luật Nhà ở 2014. Tại khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 quy định: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được tất cả (100%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư".

“Quy định này là một trở ngại cho việc quyết định phá dỡ nhà chung cư cũ. Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 theo hướng: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được tối thiểu khoảng 80% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư; Quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ để xây dựng lại được đảm bảo như nhau", nhằm để giúp cho việc quyết định phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới được thực hiện thuận lợi hơn” – ông Châu nói.

Cách đây 4 năm, từ năm 2016, theo báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ về hiện trạng chất lượng công trình xây dựng, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) đã kết luận khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) ở mức 3 tình trạng nguy hiểm, tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu.

Trên cơ sở đó, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng kiến nghị đưa vào diện ưu tiên khảo sát, đánh giá chi tiết ngay, cần có biện pháp khoanh vùng nguy hiểm và chống đỡ. Tuy nhiên việc kiểm định đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành

Trong khi đó nhiều người dân lo lắng “cố sống” trong khu tập thể đang ngày một xuống cấp. Ông Trần Văn Mật, Tổ trưởng tổ dân phố 13 cho biết, khu nhà tập thể này đã trải qua gần 5 thập kỷ, nên kết cấu hạ tầng đã ọp ẹp, mục dần theo thời gian. Cũng theo vị Tổ trưởng tổ dân phố khu tập thể xuống cấp khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, luôn sống trong thấp thỏm vì lo sợ khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào nhất là những lúc thời tiết mưa bão.

Là nhà đầu tư được UBND TP.Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự ái cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng trên ông Lại Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý bất động sản của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết doanh nghiệp đã nhiều lần đối thoại với người dân, theo đó có khoảng 70% người dân ở khu tập thể đồng ý với phương án đền bù, di dời để Công ty Xuân Mai cải tạo lại.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, quy định phải 100% cư dân đồng thuận mới có thể cải tạo lại nên đến nay, Công ty Xuân Mai vẫn tiếp tục dự kiến đối thoại, thỏa thuận với người dân để đạt được tỉ lệ đồng thuận cần thiết nhưng không dễ dàng vì nếu đáp ứng các yêu cầu của người dân đưa ra thì không hài hòa lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn bỏ kinh phí để thuê đơn vị đủ tư cách pháp nhân thực hiện kiểm định cũng không được vì lo ngại người dân không tin kết quả kiểm định, cuối cùng vẫn phải chờ.

Ngoài ra, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ còn gặp nhiều khó khăn do phương án thiết kế từ doanh nghiệp đều muốn nâng chiều cao xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề này bị hạn chế bởi Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô... Hầu hết hộ gia đình trong quá trình sử dụng đều cơi nới, khiến cho việc xác định diện tích bồi thường gặp khó khăn. Nhiều khu nhà nằm ở vị trí đất "vàng" nên chủ sở hữu đòi mức bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao so với thực tế...

Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/8 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết vấn đề xây dựng cải tạo chung cư cũ không chỉ ở Hà Nội mà các nơi đều khó khăn.

Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng dự thảo Đề án Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội; trong đó, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; đồng thời đề xuất 1 số giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ. Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được đề án của Hà Nội và cho rằng vướng là ở cơ chế, chính sách.

Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ làm việc kỹ với Hà Nội theo tinh thần những gì khó khăn thuộc thẩm quyền Chính phủ sẽ tháo gỡ ngay, những thì thuộc về các luật thì theo cơ chế xin làm thí điểm để có thể tạo ra đột phá mới. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, nếu Bộ Xây dựng và Hà Nội không quyết liệt thì không biết bao giờ việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ của Hà Nội mới tháo gỡ được.

Mới đây, ngày 4/9, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị Đề án Cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội. Chủ trì hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Thuận Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/pho-thu-tuong-chi-dao-nghien-cuu-sua-nghi-dinh-cai-tao-chung-cu-cu-678691.html