Phó Thủ tướng: 'Cần xóa mù về tri thức công nghệ'

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tỗ dẫn dắt sản xuất trong đánh giá mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ảnh minh họa.

Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh nhận xét vị trí xếp hạng trên cho thấy Việt Nam vẫn ở nhóm sơ khởi nhưng đã khá gần với nhóm Tiềm năng cao.

Cũng theo Bộ trưởng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang lại cho Việt Nam cơ hội trong nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Điều này giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên vẫn có những thách thức với cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Với Chính phủ cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho cả nền kinh tế số, các mô hình sản xuất thông minh, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về quản trị công quốc gia, phát triển đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực.

Tại sự kiện Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: ”Việt Nam phải đổi mới cho bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia.

Trước đây vốn là các chủ thể như chính phủ, viện nghiên cứu, các trường đại học. Còn các doanh nghiệp không rõ vai trò.

Giờ thay đổi thì các doanh nghiệp phải là trung tâm. Còn các đối tượng khác đóng vai trò hỗ trợ.”

Hệ thống sáng tạo quốc gia tôn vinh sáng tạo của mọi cá nhân, phải làm sao trang bị kiến thức, tri thức về công nghệ cho mọi người.

Trước đây chúng ta xóa mù chữ thì giờ cần xóa mù về tri thức công nghệ

Chúng ta cần đổi mới căn bản về giáo dục, cần đào tạo con người khai mở về trí tuệ, phải sáng tạo cá nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lề phải) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại sự kiện

Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, phát triển cả 4 trụ cột: hạ tầng, ứng dụng, công nghiệp, nguồn nhân lực.

Nói Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất phát từ công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất nhưng quan trọng nhất là thay đổi xã hội, tăng cường tính kết nối, kết nối thiết bị với con người, đặc biệt là con người với con người.

Một khi chúng ta kết nối và kết nối thông mình thì sẽ huy động được sự ủng hộ của toàn xã hội. Có như vậy, từng người sẽ không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam sẽ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng này.

So sánh với thế giới, nhiều nước đã có những chính sách riêng để có thể tạo bứt phá trong lĩnh vực công nghệ như chương trình iKorea 4.0 của Hàn Quốc, Trung Quốc với chương trình Made in China...

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/pho-thu-tuong-can-xoa-mu-ve-tri-thuc-cong-nghe-3459618.html