Phó Thống đốc: Điều hành tỷ giá phải giúp kinh tế vĩ mô ổn định

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam hiện là đối tác với nhiều nước trên thế giới. Do đó, việc điều hành tỷ giá không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải tính đến rất nhiều đồng tiền khác.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra tối 1/8, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh là một vấn đề đáng lưu ý trong việc điều hành tỷ giá và Ngân hàng nhà nước điều hành tỷ giá với quan điểm phải giúp cho kinh tế vĩ mô ổn định.

Diễn biến trong tầm kiểm soát

Theo Phó Thống đốc, Việt Nam hiện là đối tác với nhiều nước trên thế giới. Do đó, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải tính đến rất nhiều đồng tiền khác.

Bà Hồng cho biết, kể từ 1/1/2016, cách thức điều hành tỷ giá trung tâm đã có nhiều sự thay đổi và một lần nữa nhấn mạnh việc điều chỉnh luôn đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Theo đó, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước không chỉ điều hành tỷ giá trung tâm mà còn kết hợp với nhiều giải pháp công cụ về phía tiền đồng như lãi suất, thanh khoản, việc kết hợp các chính sách tài khóa để điều tiết, nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.

Diễn biến tỷ giá trên thị trường vừa qua cho đến hôm nay cho thấy tỷ giá trung tâm của Việt Nam tăng khoảng 1,1% so với cuối năm ngoái với biên độ cho phép là +/- 3%, tỷ giá liên ngân hàng hiện nay tăng 2,5% so với cuối năm 2017. Đại diện Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh "Đây là diễn biến nằm trong tầm kiểm soát, phù hợp với đồng tiền trên thế giới và trong khu vực".

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm cũng như không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

"Việc gia tăng khối lượng, chất lượng tăng trưởng lúc này cần tập trung vào cả cung và cầu. Một mặt chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân," Thủ tướng nêu rõ.

Đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo

Liên quan đến tiền ảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý và xử lý trong diễn biến vừa qua ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo và tài sản ảo và giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, tiền ảo là vấn đề Chính phủ rất quan tâm vấn đề này. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về các loại tiền (ở đây là tiền ảo và tài sản ảo), song các bộ, ban ngành khác cũng có chức năng liên quan trong việc quản lý tiền ảo.

Theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động”, mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng theo ông Hải, về quản lý chung về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm trong việc này.

Cụ thể, theo Nghị định 69/CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, mặt hàng mã HS 8471.80.90 là không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu do đó các doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng này mà chỉ phải làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.

"Với tình hình đó, hiện tiền ảo hay bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm," đại diện Bộ Công Thương nói.

Trước chỉ đạo của Thủ tướng, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất theo quy định trong trường hợp nào thì được cấm.

"Bộ Công Thương đã có đề xuất và xin ý kiến các bộ ngành liên quan, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ sớm nhất đưa ra quyết định nhập khẩu từ gốc “máy đào tiền ảo” này," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói thêm./.

Quảng + Dũng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/pho-thong-doc-dieu-hanh-ty-gia-phai-giup-kinh-te-vi-mo-on-dinh/516818.vnp