Phố Tây 'over night'

Khu vực nằm trong phạm vi 3 con đường Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi viện thuộc P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM nơi có nhiều khách sạn, nhà trọ cho 'Tây ba lô' du lịch bụi tới Việt Nam thuê mướn làm chỗ trú chân và quen gọi 'phố Tây'. Phố Tây bây giờ nhà cửa, phố sá hoành tráng hơn, sang trọng hơn và Tây cũng nhiều hơn. Đặc biệt vào dịp Tết Tây, ở khu phố Tây càng đông vui, nhộn nhịp với các kiểu Tây - Ta cùng đón... Tết Tây.

Tây ta cùng xuống đường... đón Tết Tây

Ban ngày khu phố Tây trông vắng vẻ bởi Tây trong khách sạn, phòng trọ đang ngủ li bì hay lang thang du lịch bụi. Nhưng khi chiều tắt nắng, phố lên đèn chính là thời điểm khu phố Tây bước vào cuộc sinh hoạt tấp nập, nhộn nhịp về đêm, tạo nên một góc Sài Gòn của thời kỳ hội nhập, Tây - Ta đề huề vui chơi, giải trí đủ mọi cảm giác hỉ nộ ái ố và cả bi hài ít có nơi nào sánh bằng. Đặc biệt vào đêm 31/12, giao thừa Tết Tây đón năm mới.

Vào thời điểm này tuyến đường Bùi Viện, một trong 3 con đường chính của khu phố Tây như thay da đổi thịt, lột xác, trút bỏ gương mặt “ngủ ngày” của một cô gái thô mộc để trang điểm phấn son lộng lẫy. Các loại ánh sáng đủ màu nhấp nháy, lung linh, huyền ảo từ những biển hiệu neon của các nhà hàng, quán cà phê, bar, khách sạn... trên mặt tiền đường Bùi Viện và trong khu vực phố Tây cũng bước vào cuộc tranh đua chào mời, thu hút khách, tạo nét sinh động cho một góc thành phố về đêm.

Khu tứ giác Đề Thám - Phạm Ngũ Lão - Cống Quỳnh - Bùi Viện, trong đó có một “địa danh” quen thuộc gọi là “Ngã Tư Quốc tế” nay san sát các cao ốc, khách sạn, nhà hàng, quán bar, cà phê hộp phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và những căn phố lầu buôn bán sầm uất tạo nên một khu phố Tây lộng lẫy. Người dân cố cựu trong khu vực phố Tây ngày nay chắc không còn mấy, khi mà người thành phố Sài Gòn như chúng tôi từng gắn bó với khu vực này từ nhỏ đã không còn nhận ra hình ảnh xưa, đầy kỷ niệm từ thời thơ ấu.

Đường Bùi Viện, mặt tiền thứ hai của khu phố Tây cứ khoảng 6h chiều là trở nên tấp nập, nhộn nhịp, đèn đuốc đủ màu sặc sỡ, nhấp nháy, lung linh. Con đường náo nhiệt này tuy nhỏ hẹp nhưng mang đủ sắc thái, diện mạo của một khu phố ăn chơi không thiếu món gì từ ăn nhậu cho đến chơi bời, thư giãn, ngủ nghỉ, massage, cắt tóc, gội đầu mà hễ khách Tây - Ta có nhu cầu là được phục vụ tối đa theo ý muốn, sở thích nếu trong túi rủng roẻng đô đa hoặc tiền Việt mới cứng. Từ 6h chiều khi trời tắt nắng phố lên đèn đến 10h đêm, khách Tây lẫn ta lũ lượt kéo đến tụ tập ăn uống. Lúc đã tưng tưng, cả ta lẫn Tây cùng “quậy” tưng bừng, náo nhiệt. Cao điểm là từ 11h đến mờ sáng hôm sau không khí phố Tây như bị đốt nóng với nhiệt độ cao. Đây chính là thời điểm “bốc” nhất, “cao trào” nhất của cuộc chơi over night của nam thanh, nữ tú người Việt lẫn khách Tây. Đêm càng về khuya, tuyến đường Bùi Viện đã trở thành phố đi bộ từ năm 2017 trở nên tấp nập, tưng bừng. Người đứng, người ngồi lố nhố cả hai bên vỉa hè, tràn cả xuống mặt đường.

Chúng tôi dạo quanh khu phố Tây, đi qua những con đường mà vào giờ này được xem như giờ tự do của những tụ điểm ăn nhậu, vui chơi xả láng, bàn ghế chen chúc nhau san sát để phục vụ khách. Và khách thì quá đông nên tràn xuống cả mặt đường ăn uống, la hét, thể hiện tình cảm kiểu Tây với các kiều nữ chân dài mặc short cũn cỡn giữa chốn đông vui, chẳng ai còn quan tâm tới ai chỉ mục đích…vui là chính.

Phố đi bộ Bùi Viện đón Tết Tây. Ảnh: VNM.

Sinh hoạt ở phố Tây và đêm không ngủ

Gần 12h đêm, chúng tôi tấp vào một quán nhậu trên đường Bùi Viện trong khu vực phố Tây để kiếm cái dằn bụng và nghỉ chân. Đừng nghĩ rằng thời điểm này là lúc 0h, sắp bước qua một ngày mới thì phố Tây sẽ chìm vào giấc ngủ hoặc sẽ thưa vắng người. Trái lại phố Tây càng tấp nập và thu hút khách từ các nơi khác đổ về. Hàng quán trên lề đường Bùi Viện san sát, chỉ là những cái bàn thấp, ghế con con, toàn bằng nhựa kiểu “dã chiến” bưng bê, sắp đặt nơi nào cũng tiện, đông khách quá thì bày tràn ra cả mặt đường. Vì vào giờ cao điểm này chỗ ngồi không quan trọng bằng người ngồi và khách toàn những người lấy vui là chính, mọi thứ khác không quan trọng.

Hầu như những “cửa hàng” ăn uống ngoài lề đường có chung một quy luật chỉ bán thức uống (chủ yếu là bia chai), nước ngọt chứ không bán thức ăn hay mồi nhậu. Vì thế nên có cả một đội quân phục vụ “mồi dã chiến” như: Đậu phộng luộc, trứng cút, hột vịt lộn, cơm cháy chà bông, mực khô, mít sấy... từ những người bán dạo. Những người này già, trẻ, lớn, bé đều có cả, nói rặt giọng miền Trung, họ là dân quê tứ xứ của miền Trung kéo vào đây, chọn phố Tây làm nơi buôn bán dạo kiếm sống.

Tưng bừng đêm phố Tây. Ảnh: Bá Công.

Lẫn trong số người bán “mồi nhậu” là đội quân bán “kẹo gum”, thuốc lá, vé số và những “cửa hàng tạp hóa” di động mắt kiếng, móc treo chìa khóa, móc ráy tai và hầm bà lằn những đồ vật linh tinh khác. Vài phút lại có người đứng trước mặt mời mua singum, thuốc lá, vé số và những thứ lặt vặt khác. Tại những hàng quán cực kỳ bình dân này, khách Tây, khách Ta, quần áo bình dân hay thời trang hàng hiệu khi đã chọn nơi này làm điểm nghỉ chân, để vui là chính thì cứ gọi vài chai bia, con mực nướng, bịch đậu phộng luộc, trứng cút, hột vịt lộn… thì tha hồ cụng ly cốp cốp, hát hò ầm ĩ, đập bàn đập bát thâu đêm cũng chẳng… chết thằng Tây nào. Điển hình như bàn bên cạnh chúng tôi có một nhóm khách Việt tưng tưng, đập bàn, gõ chén vừa hát, vừa la tưng bừng. Họ chơi toàn liên khúc, lấy điệu boléro làm nền rồi cứ thế mà chơi. Hết “Căn nhà ngoại ô” tới “Nửa đêm ngoài phố” rồi chuyển sang nhạc chế vẫn ầm ĩ, sinh động cả một góc trời.

Cạnh đấy cũng có một nhóm khách Tây, đúng là “Tây ba lô” cả nam lẫn nữ còn rất trẻ, chẳng biết họ có hiểu lời ca, tiếng hát của nhóm khách Việt hay chỉ “ăn theo” kiểu vui là chính mà ủng hộ nhiệt tình bằng những tràng vỗ tay và những gương mặt cực kỳ hào hứng. Nhận được sự tán thưởng của khách Tây, nhóm khách Ta càng hưng phấn gào to hơn, đập bàn, gõ muỗng điên loạn hơn. Một người bán “mồi nhậu” có lẽ đang đợi nhóm khách say xỉn này ngừng “liên khúc boléro” để tính tiền mà thấy họ cứ hát hò mãi, quá sung nên than thở: Tui chỉ bán đậu phộng luộc, trứng cút lộn cho nhóm này, không biết tụi nó ăn trúng thứ gì mà khỏe thế, gào thét từ chiều đến giờ mà vẫn sung”.

Rời đường Bùi Viện, chúng tôi sang đường Đề Thám. Ở đây cũng cảnh hàng quán ăn nhậu tràn ra cả mặt đường, cuộc vui dường như bất tận. Trong lúc chúng tôi đang chen chân quan sát thì ở chiếc bàn trước mặt một cặp khách Tây nam, nữ đang ngồi nhậu bỗng cao hứng đứng phắt lên, dìu nhau ra khỏi đám đông, đứng giữa mặt đường bắt đầu cho một màn khiêu vũ ngẫu hứng. Lập tức khách nhậu chung quanh đồng loạt vỗ tay tán thưởng, được sự ủng hộ nhiệt tình, đôi khách Tây này như tăng thêm cao hứng ôm nhau nhảy giữa tiếng đập bàn, gõ chén, đánh ly làm nhạc đệm. Lòng đường lập tức biến thành sàn nhảy để những cặp đôi khác đua nhau kéo ra “piste nhựa” cùng nhảy loạn xạ. Một vài chiếc xe đi qua bấm còi inh ỏi xin đường nhưng những “cặp đôi hoàn hảo” đang ngẫu hứng tranh giải “bước nhảy hoàn vũ” này không muốn nhường đường, họ cứ ôm nhau nhảy như chỗ không người.

Điều rất lạ là không chỉ có xe ô tô của những người đi chơi đêm tình cờ lạc lối vào khu vực phố Tây phải chịu “thúc thủ”, hoặc tìm cách luốn lách qua khỏi con phố tấp nập, đông vui, nhảy nhót lúc nửa đêm về sáng này mà cả xe tuần tra của cảnh sát khi đi qua đây cũng tìm cách… “né” những cặp đang nhảy, luồn lách qua khỏi những dãy bàn ghế ngổn ngang, thực khách đang rộn ràng ăn nhậu mà không xử phạt.

Tết Tây mà!

Võ Thu Sơn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/pho-tay-over-night-d74401.html