Phố ngày lạnh...

Cuối Chạp, gió Đông Bắc tăng cường, phố lạnh hơn. Tôi cứ thế, theo thói quen hòa vào dòng người chen chúc đầu giờ sáng trên con đường đông đúc. Những lúc nhàn việc lục lại hành trình thường nhật, tôi nhớ là đâu đó có những khuôn mặt đứng khép nép hai bên đường, mệt nhọc, co ro trong rét để mưu sinh.

Hình ảnh về những người mưu sinh trên phố chẳng xa lạ gì, rất nhiều lần tôi từng bị quấy rầy bởi người bán hàng rong, người xin tiền và cả những đứa trẻ bán hàng rong kiêm xin tiền. Nhiều người gan lỳ đến mức vô liêm sỉ, sẵn sàng chửi lại ai đó nếu xem hàng mà không mua cho họ. Vậy nên tôi có phần ác cảm và đánh đồng. Đó cũng là lý do mà tôi lướt qua những khuôn mặt thiểu não đứng ở những ngã tư đèn đỏ, mà không hề bận tâm. Chỉ khi lục lại bộ nhớ của mình để sống chậm và kiểm điểm bản thân, mới nhận ra đã có những thứ mình rất vô tình.

Ngày nghỉ, tôi chạy xe máy chầm chậm trên con đường quen thuộc hàng ngày, nhưng hôm nay tôi có thời gian để quan sát kỹ hơn những khuôn mặt cũ. Hình ảnh đầu tiên tôi chú ý ở ngay ngã tư đèn đỏ giao cắt đường Trần Phú với Tô Vĩnh Diện, TP Thanh Hóa. Một cụ già nhỏ con đi đôi dép khó có thể cũ hơn, quàng chiếc khăn cũng cũ để giữ hơi ấm cơ thể bên trong chiếc áo khoác xỉn màu. Trên tay cụ là một rổ nhựa đựng bông tai, bấm móng tay, kẹo cao su, vài chiếc bút... Những thứ ấy tôi từng thấy trên tay rất nhiều người với đủ bộ dạng khác nhau dí vào mặt mình trong lúc đang ăn sáng hay ngồi uống cà phê để ép mua. Có điều chiếc rổ của cụ ông này thì khác, chỉ được nâng lên cao hơn một chút khi đèn đỏ, những chiếc xe dừng lại. Cụ không vật nài khách mua, chỉ có ánh mắt tha thiết, khẩn cầu. Cụ không chọn cách như những “đồng nghiệp” của cụ vẫn làm. Tôi thấy có gì đấy rất đáng thương, nhưng cũng đầy tự trọng ở cụ.

Hình ảnh tiếp theo ở ngã tư Đại lộ Lê Lợi giao cắt với đường Lê Hoàn, là một cụ ông với chiếc đàn bầu. Tôi đưa xe lên vỉa hè đứng nghe khúc nhạc mà cụ đang chơi bằng tất cả sự chú tâm. Tôi nghĩ cụ là một nghệ sĩ đường phố hơn là một người mưu sinh trên phố. Trước mặt cụ không có chiếc hộp đựng tiền để người qua đường bố thí. Tôi móc ví lấy tờ 10.000 đồng để biếu, cụ chắp tay cảm ơn, rồi tiếp tục phần việc của mình rất say sưa.

Tôi không còn nghĩ rằng những người mưu sinh ở nơi công cộng đều đáng bị đánh đồng và quy kết trong những từ ngữ không thiện cảm. Những thân phận lam lũ, nhọc nhằn, không phải ai cũng cố ý đi bán hàng rong, càng không phải mượn nghề bán hàng rong hoặc làm những việc tự do trên hè phố để lợi dụng lòng tốt của người khác, đến mức nhiều khi vượt quá lằn ranh tự trọng. Vẫn còn đó những con người, dù họ có thể bị xếp vào tầng lớp thấp trong xã hội, nhưng lòng tự trọng của họ thì không hề thấp. Thiên tai, dịch bệnh và rất nhiều tai ương đã xô đẩy khiến nhiều thân phận phải chấp nhận những việc làm không mong muốn. Họ hành nghề trong sự xô đẩy, chụp giựt mà “đồng nghiệp” của họ tạo ra, nhưng không đánh mất mình, đó là điều rất đáng trân quý. Tôi ước ao giá như ai cũng biết đặt tự trọng nghề nghiệp lên trên nhu cầu vật chất, để có những ứng xử văn minh hơn, thì nghề nào cũng thế, đều cao quý, không còn bị ác cảm và đánh đồng.

Trong dòng người hối hả và thực dụng trên phố ngày lạnh, vẫn còn đó những hình ảnh chậm trôi, khiến ta phải ngẫm nghĩ...

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/pho-ngay-lanh/176790.htm