Phố hàng rong lỗi hẹn

Song song với chiến dịch tái lập trật tự lòng lề đường, UBND quận 1 đã đề xuất và được UBND TPHCM duyệt triển khai đề án lập phố hàng rong nhằm giải quyết tạm thời nhu cầu buôn bán mưu sinh cho người bán hàng rong trên địa bàn. Thế nhưng…

Người bán hàng rong vẫn đang chờ phố hàng rong

Khai trương rồi… biến mất

Ngày 22-4-2017, phố hàng rong tại Công viên Bến Bạch Đằng (bên sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng, quận 1) được khai trương rầm rộ với 120 gian hàng. Tuy mục đích lập phố hàng rong này là để đảm bảo đời sống cho những người bán hàng rong và giữ nét văn hóa đường phố để phục vụ du lịch, nhưng thực tế những người buôn bán hàng rong trên địa bàn quận 1 từ nhiều năm qua lại không thể vào bán tại đây. Với giá thuê mặt bằng mỗi ngày từ 1,8 - 2 triệu đồng (cho một chỗ bán chỉ rộng 2m2), những người vào bán ở đây là tiểu thương có điều kiện kinh doanh, hoặc đã có tiệm ăn, nay thuê thêm điểm để kinh doanh, chứ chẳng phải là người bán hàng rong nghèo.

Phố hàng rong tại Công viên Bến Bạch Đằng mở bán vào 2 ngày cuối tuần, nhưng chẳng được bao lâu, đến tháng 6-2017 không còn thấy ai căng bạt, chuyển hàng ra bán. Rất nhiều người dân đến vui chơi tại phố đi bộ cũng tìm đến phố hàng rong để thưởng thức những món ăn đường phố, nhưng không thấy đâu. Phóng viên Báo SGGP liên hệ với UBND quận 1 để tìm hiểu về nguyên nhân phố hàng rong vừa khai trương đã âm thầm biến mất, thì được bà Trần Anh Đào, Phó Trưởng ban Tiếp công dân quận 1, truyền đạt lại thông tin từ Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hường và Chánh văn phòng UBND quận Lâm Ngô Hoàng Anh, trả lời rằng phố hàng rong tạm thời ngưng khai thác kể từ đầu tháng 6, nhưng không cho biết lý do vì sao.

Người bán hàng rong còn chờ

Lãnh đạo UBND quận 1 nhiều lần khẳng định việc lập các phố hàng rong để bố trí nơi bán hàng cho những người dân vốn bám vỉa hè mưu sinh là điều hết sức cần thiết và phải làm đồng bộ với công tác lập lại trật tự lòng lề đường. Cũng theo quận 1, ngoài phố hàng rong ở Công viên Bến Bạch Đằng, quận đã lên kế hoạch lập phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp, đưa vào khai thác trong tháng 6-2017. Tuy nhiên cho đến nay, phía UBND quận 1 cho biết vẫn chưa có thông tin gì mới về việc lập các phố hàng rong này.

Phố hàng rong được quy hoạch ra sao, tiêu chí nào để được kinh doanh tại đó là thông tin mà người bán hàng rong muốn biết. Chị Trần Phương Thảo, người có 12 năm mưu sinh bằng gánh chè sương sáo trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Thủ, tâm sự: “Tôi nghe tin UBND quận 1 sẽ lập phố hàng rong, mà ngóng quá”. Cũng mong chờ được chính quyền hỗ trợ điểm bán cố định, chị Hà Thị Thuận - bán hột vịt lộn, bánh tráng nướng trên đường Hai Bà Trưng - băn khoăn: “Nếu lập phố hàng rong mà giá thuê mặt bằng một ngày mấy triệu đồng như ở Công viên Bến Bạch Đằng thì chúng tôi làm gì có tiền để thuê. Bán hàng rong ngày lời vài trăm ngàn đồng, đấy là ngày trời không mưa, còn gặp mưa là ế chắc. Mong chính quyền quận 1 hiểu hoàn cảnh của những người bán hàng rong để sắp xếp sao cho phù hợp”.

Trong khi đó, mô hình phố hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), hoạt động từ 18 giờ 30 đến 23 giờ mỗi ngày, giá thuê và các loại phí chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng, tùy diện tích lại thành công. Được quy hoạch và chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3-2017, nơi đây đã trở thành điểm buôn bán ổn định của 20 hộ vốn nhiều năm mưu sinh bằng gánh hàng rong tại phường 2 và phường 3 quận Tân Bình. Đến nay, mô hình phố hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai vẫn là mơ ước của người bán hàng rong tại TPHCM.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/pho-hang-rong-loi-hen-453986.html