Phổ điểm Lịch sử đứng chót bảng: Vì đâu nên nỗi?

Sau khi bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019, không ít người lo ngại trước việc phổ điểm môn Lịch sử 'lép vế' đứng chót bảng.

Thầy cô lên tiếng

Gặp khó khăn trong việc “làm thân” với môn Lịch sử, em Vũ Thị Hồng, một học sinh THCS tại Hà Nội cho hay: “Đối với em, môn Lịch sử là môn văn hóa “khó nhằn” nhất, cả một “lô lốc” những con số, từ ngày, tháng, năm xảy ra sự kiện, số liệu cụ thể rồi tên tuổi… khiến em rối tung”.

Em Nguyễn Hồng Ngọc, một học sinh THPT tại Lào Cai cũng bày tỏ: “Em không thể nhớ được các kiến thức trong bài giảng môn Lịch sử, nhiều tiết học em cảm thấy nội dung khô khan và có lúc thấy buồn ngủ”.

Đánh giá về chương trình học và phương pháp dạy, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT Thăng Long (Hà Nội) phân tích: “Tôi nghĩ rằng chương trình sách giáo khoa hiện hành cũng chưa thực sự phù hợp với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong các chương trình tập huấn, giáo viên đã được thông báo về các phần nội dung giảm tải cho học sinh và có những định hướng riêng để phát triển năng lực cho học sinh, không phải giáo viên nào cũng sẽ dạy y hệt sách giáo khoa. Tức là bản thân giáo viên cũng đã có sự cải tiến chương trình, để dần dần nắm bắt.

Hiện nay, cũng đang tiến hành biên soạn sách giáo khoa mới, mặc dù chưa được áp dụng ngay, nhưng qua tham khảo, tôi thấy có rất nhiều điểm mới tích cực, còn hiện nay chỉ có những chuyển biến nhỏ, chưa cải cách, đột phá được.

Vì vậy, tuy vẫn dùng bộ sách giáo khoa cũ, nhưng cách dạy đã có nhiều sự biến đổi hơn, chứ không phải cứ chăm chăm bắt học sinh học thuộc và nặng nề với những con số, trong đề thi không bao giờ hỏi ngày tháng năm xảy ra sự kiện”.

Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Phổ điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Đồng tình với phần nhận định trên, thầy Quách Công Quang, giao viên Lịch sử trường THPT A Hải Hậu, Nam Định cho rằng: “Theo tôi, nhiều khi, đề thi hơi nặng về sự kiện cũng khiến nhiều học sinh e ngại… Theo tôi, tất cả các yếu tố chương trình học sách giáo khoa, phương pháp dạy của giáo viên và bản thân học sinh đều tác động gây nên thực trạng này, ngoài ra, cũng còn nhiều yếu tố quyết định”.

Mục tiêu của học sinh và bất cập thi cử

Lý giải về sự “lép vế” của phổ điểm Lịch sử, cô Thảo cho rằng: “Theo tôi, điểm thi môn Lịch sử thấp không phải do chất lượng giáo dục hay nhận thức của học sinh, mà chủ yếu do học sinh không muốn học. Tâm lý từ nhà trường đến phụ huynh, học sinh đều coi môn Lịch sử là một môn học phụ, môn học này lại không có quá nhiều lựa chọn để vào các trường trong “top” mà học sinh mong muốn, nên học sinh không muốn học Lịch sử”.

“Đó là nguyên nhân chủ yếu còn các nguyên nhân khác không phải trọng tâm.

Ví dụ, để nhìn rõ hơn, có thể so sánh với chất lượng thi môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay, rõ ràng khi đó trở thành môn thi bắt buộc thì kết quả đã có sự đột phá, 90% trên trung bình.

Từ đó, có thể nhận thấy, học sinh có động lực là chắc chắn điểm sẽ cao”, cô Thảo dẫn chứng.

Giáo viên trường THPT Thăng Long tiếp tục bày tỏ: “Vì sao học sinh thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia lại có kết quả thấp?

Nhiều học sinh khối D thích chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội vì có môn Giáo dục công dân dễ “ăn điểm”. Ví dụ như ở trường THPT Thăng Long, khi thi khảo sát tổ hợp, bài thi môn Lịch sử của nhiều em chỉ được xấp xỉ 5 điểm, trong khi nhà trường đặt vấn đề tại sao giáo viên đã ôn luyện cho học sinh tốt mà kết quả vẫn không cao thì thậm chí học sinh còn “vui” vì đã qua điểm liệt.

Nhiều học sinh thi môn Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học.

Các bạn học sinh khối D chỉ cần qua môn Lịch sử, không bị điểm liệt, còn khối xét tuyển là các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ đã dành nhiều tâm huyết để giành điểm cao.

Từ đó, có thể nhận thấy, nhận thức của học sinh hiện nay về môn Lịch sử cũng khá là tốt, không cần ôn tập nhiều, chỉ cần nghe giảng và đọc sách giáo khoa là đã có thể làm được tầm 4-5 điểm...Còn đối với những thí sinh đã xác định lựa chọn xét tuyển khối C thì điểm môn Lịch sử lại không hề thấp”.

Đồng tình với những phân tích của cô Thảo, thầy Quách Công Quang cho rằng: “Với tư cách một giáo viên, tôi cũng thấy, quan điểm của học sinh rõ ràng từ khi vào trường đã định hướng trước, những khối xét tuyển có cơ hội việc làm nhiều hơn thì chọn nhiều hơn cũng là điều không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh chọn thi môn Lịch sử không nhằm mục đích xét tuyển đại học mà chỉ là điều kiện xét tốt nghiệp là chủ yếu. Chính vì thế các em không thực sự đầu tư cho bộ môn này. Đây là thực tế mà hầu hết các trường, các thầy cô gặp phải”.

Theo cô Đặng Thị Thùy Dung, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: “Có rất nhiều thí sinh chỉ thi môn Lịch sử với mục đích xét tốt nghiệp nên điểm không cao, thứ hai có nhiều thí sinh xét tuyển khối C điểm môn Lịch sử rất cao, chứng tỏ đề thi có tính phân hóa rõ ràng.

Còn về nguyên nhân, cả chương trình học, phương pháp dạy và năng lực học sinh đều có ý đúng mà cũng không hẳn, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, do mục tiêu của học sinh khác nhau… Quan trọng nhất là sự bất cập không phù hợp giữa nội dung học tập và hình thức kiểm tra, đánh giá. Việc thi trắc nghiệm vốn dĩ đã không phù hợp với môn Lịch sử, đề thi năm nào cũng có những tồn tại…”.

Tạo hứng thú với môn học

Chia sẻ về môn Lịch sử, em Ngô Lê Phúc Đạt, học sinh trường THPT Quang Trung, Tây Ninh cho biết: “Hồi đầu, em cũng không hề thích môn Lịch sử, đặc biệt thấy khô khan. Em thậm chí đã luôn thắc mắc: “Tại sao Lịch sử Việt Nam lại không hay được như Lịch sử thế giới nhỉ?”.

Nhưng em đã nhầm!

Mọi thứ thay đổi sau khi em lên cấp 3, em đã thử lần mò lên mạng đọc những sử liệu xung quanh các bài học trong sách giáo khoa, và phát hiện mình dần có hứng thú với môn học này. Hiện nay, môn Lịch sử chính là một môn học yêu thích của em”.

Cô Nguyễn Thị Thảo bật mí một số hoạt động bổ trợ của trường: “Hiện nay, học sinh trường THPT Thăng Long cũng khá chủ động trong môn Lịch sử, những chuyên đề nghiên cứu mở rộng thêm, ví dụ như Lịch sử Hà Nội, học sinh nghiên cứu, hoạt động nhóm rất tích cực. Điều đó cho thấy việc các em có thể hứng thú với môn học. Thêm nhận thức tốt thì rất dễ để học tốt môn học này.

Tuy nhiên, môn Lịch sử lại không nằm trong tổ hợp xét tuyển mà những học sinh ấy lựa chọn nên không có sự đầu tư ôn luyện như những môn học trong khối xét tuyển”.

Thầy Quách Công Quang lại chia sẻ: “Mỗi đơn vị có cách làm khác nhau, tùy điều kiện của từng trường. Điển hình như trường THPT A Hải Hậu ứng dụng công nghệ vào giờ học, cho học sinh được chủ động tìm hiểu kiến thức, giáo viên chỉ là người định hướng, hướng dẫn và đánh giá các em.

Thầy Quách Công Quang.

Làm như vậy cũng giúp học sinh tự mình khám phá ra những điểm thú vị trong môn học, bớt áp lực, có sự hứng khởi đối với môn học và khơi dậy niềm đam mê cho các em”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pho-diem-lich-su-dung-chot-bang-vi-dau-nen-noi-a442543.html