Phố đi bộ và chợ đêm bình dân

Có thể nói rằng sự mở mang phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực ở nước ta đang phát triển khá nhanh và rộng khắp trên các đô thị lớn nhỏ.

Đã có nhiều mô hình được tổ chức với nhiều nét riêng hấp dẫn, bổ ích nhưng cũng đã có không ít sự xô bồ, lộn xộn và cả nhếch nhác làm giảm đi sức hút của các loại hình sinh hoạt vui vẻ và thú vị này.

Điều dễ thấy đầu tiên là sự phổ biến của những mô hình kết hợp cả đi bộ với ăn uống, mua sắm, vui chơi trong một không gian không lớn, thậm chí rất nhỏ tại các khu vực tập trung dân cư. Nơi tương đối rộng như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hội An… thì còn khá tách bạch được chỗ đi bộ, vui chơi, thưởng ngoạn với mua sắm và ăn uống nhưng ở nhiều nơi khác như Đồng Hới, Sầm Sơn, Cửa Lò hay Sa Pa, Huế, Phú Quốc hoặc nhiều thị trấn nhỏ thì tất cả hòa làm một mà hoạt động chợ đêm là chủ yếu và bao trùm. Không thể phủ nhận sự lôi cuốn của chợ đêm với nhiều mặt hàng tiêu dùng, quà kỷ niệm và đặc biệt là các món ăn đặc sản địa phương với nhiều nhà hàng, quầy quán có tay nghề cao, thực phẩm tươi sống. Song lại quá đáng ngại khi phần lớn các quầy sạp bày bán thịt thà, tôm cá, bánh trái giữa dòng người đông đúc chen chúc qua lại mà không đậy điệm cẩn thận. Cũng chẳng ai dám chắc hàng hóa của họ xuất xứ từ đâu, chất lượng có bảo đảm. Cùng với đó là những hành động chèo kéo khách. Có nơi như chợ đêm Phú Quốc, Huế… người ta cầm những xâu bánh hay thịt nướng giơ ra trước mặt từng người để mời chào rồi níu kéo, nài ép khách thử và mua…

Đáng lo hơn là hàng dỏm, hàng nhái tràn lan. Ở chợ đêm Hàng Ngang-Hàng Đào, Hà Nội chẳng hạn, chỉ là người hơi hiểu biết đã có thể thấy ngay những thứ quần áo bán ở đây hầu hết là hàng kém chất lượng hoặc lỗi mốt. Ở đây còn có đủ tên tuổi, nhãn mác của các hàng thời trang lừng danh thế giới từ giày, áo Adidas, Nike… đến các loại đồng hồ, kính mắt, túi xách… nhưng đa phần là hàng nhái, hàng giả. Chợ đêm có nguy cơ trở thành chợ trời hàng giả, trở thành nơi bán hàng lậu, hàng vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Phố đi bộ, chợ đêm là dành cho mọi người, là hàng hóa, dịch vụ bình dân nhưng không thể để sự thông thoáng, thuận lợi trở thành dễ dãi, lừa lọc người bình dân. Dễ thấy là khách quốc tế hay người trong nước từng trải thường chỉ đi qua chợ đêm để biết không khí. Khách của các loại hàng hóa, quầy quán ở những nơi này thường là công nhân, người lao động tự do, là học sinh, sinh viên hoặc những gia đình nghèo, túng thiếu. Vẫn biết “tiền nào của nấy”, “có cầu thì ắt có cung”, song dù là chốn bình dân thì mọi thứ hàng hóa, mọi hoạt động kinh doanh bán mua đều phải có quản lý, kiểm soát, hướng dẫn, vận động để chợ đêm thực sự là chợ văn minh, đàng hoàng. Muốn hay không, chợ đêm vẫn luôn gắn với phố đi bộ, hợp thành điểm đến và gương mặt đa sắc màu của một đô thị. Vậy nên chợ đêm đâu phải là chợ trời ban đêm, đâu chỉ bao gộp những hoạt động tự phát.

Hội An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những thành phố đi trước mở đường cho việc ra đời của phố đi bộ và chợ đêm. Đã có nhiều công sức và nghĩ suy thử nghiệm để có hoạt động văn hóa, nghệ thuật liên tục xuất hiện làm lung linh, sáng đẹp những không gian đi bộ ở các thành phố này song chợ đêm, cái phần kết nối tự nhiên với các tuyến phố đi bộ rất cần được xem xét lại kỹ càng để chất lượng mọi hoạt động ngày mỗi được nâng cao, hài hòa. Giờ đây, sau những thành công bước đầu, chúng ta đang tính đến việc mở mang các hoạt động kinh tế đêm thì càng cần bàn tay của các nhà tổ chức, quản lý. Là nét mới của văn hóa, văn minh đô thị, phố đi bộ, phố mua sắm, chợ đêm càng cần được vun vén để trở thành nét đẹp bình dân kiêu hãnh, đáng tự hào./.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/pho-di-bo-va-cho-dem-binh-dan-598167