Phố đi bộ thay áo mới và những chuyện chưa kể về 'biệt đội chổi tre'

Dù mới thực hiện được vài tuần, nhưng việc thí điểm ghi hình, xử lý các trường hợp vứt rác không đúng nơi quy định đã nhận được thành quả rất đáng ghi nhận: Người dân nâng cao ý thức, phố đi bộ như được 'thay áo mới'...

Biển thông báo sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác để xử phạt được đặt tại các lối vào phố đi bộ

Biển thông báo sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác để xử phạt được đặt tại các lối vào phố đi bộ

'Tổ công tác đặc biệt'

Phố đi bộ Hồ Gươm được xem là một điểm đến hấp dẫn đối với những người dân thủ đô và du khách những ngày cuối tuần và những ngày lễ với nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi.

Tuy nhiên, có một hiện trạng là những tuyến phố đi bộ này thường ngập trong rác thải sau những lần các hoạt động xã hội diễn ra, khiến công tác đảm bảo vệ sinh của lực lượng vệ sinh môi trường rất vất vả.

Để tạo dựng không gian đi bộ xanh, sạch đẹp và nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã phối hợp cùng với UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thực hiện thí điểm việc ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định với mức phạt có thể lên đến 7 triệu đồng.

Nhiều biển báo nghiêm cấp hành vi vứt rác không đúng nơi quy định

Chương trình trên được tiến hành thực hiện thí điểm tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm và các tuyến phố phụ cận trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bắt đầu từ ngày 26/4 đến ngày 19/5.

Kết quả của chương trình thí điểm trên xe được tổng kết, báo cáo và làm tiền đề trình các cấp có thẩm quyền xem xét, nhân rộng ra các quận khác trên địa bàn TP. Hà Nội.

Để tìm hiểu những nỗ lực trong việc tạo dựng một không gian phố đi bộ xanh, sạch, đẹp cho người dân, PV đã có buổi mục sở thị một ngày làm việc của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tại khuôn viên phố đi bộ Hồ Gươm.

Sọt rác mi ni được bố trí tại các tuyến phố đi bộ

Đúng 19h, tại phố đi bộ, ca trực gồm 17 người là nhân viên, cán bộ của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội với đồng phục áo phông xanh in dòng chữ tuyên truyền người dân vứt rác đúng nơi quy định chia nhau di chuyển tới 17 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm để bắt đầu một ca làm việc.

Công việc gìn giữ vệ sinh phố đi bộ của họ bắt đầu từ lúc phố phường lên đèn và chỉ thực sự kết thúc khi dòng người tham quan đã vãn, các tuyến đường thuộc khu vực phố đi bộ được dọn dẹp sạch sẽ.

Là một trong những cá nhân có mặt từ những ngày đầu thực hiện chương trình đến bây giờ, ông Nguyễn Trọng Toản, nhân viên phòng Kinh Doanh và Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội dường như đã quen với một phần 'nhiệm vụ mới' của mình.

Ông Nguyễn Trọng Toản, nhân viên phòng Kinh Doanh và Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội

Giống như ông Toản, những cán bộ nhân viên khác của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, sẽ có mặt tại những địa điểm tập trung đông người, các hộ kinh doanh hàng quán để nhắc nhở, tuyên truyền về việc vứt rác đúng nơi quy định.

“Chúng tôi sẽ đi dọc các tuyến phố được giao, nhắc nhở, tuyên truyền người buôn bán hàng quán có mặt tại đây về việc không được xả rác bừa bãi ra khuôn viên phố đi bộ. Kèm theo đó là những khuyến cáo về mức phạt nếu cá nhân, hàng quán nào có hành vi xả rác theo đúng quy định”, ông Toản nói.

Nhiệm vụ của ông Toản trong một ca làm việc là nhắc nhở, tuyên truyền và ghi lại hình ảnh những người có hành vi xả rác không đúng nơi quy định bằng điện thoại thông minh

Ông Toản chia sẻ thêm, công việc tưởng đơn giản này tốn khá nhiều thời gian trong một ca làm việc. Theo ông, không phải hộ kinh doanh, cá nhân nào cũng có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh chung. Những ngày đầu mới thực hiện, mặc dù ra sức tuyên truyền nhưng mỗi khi vắng mặt những nhân viên như ông việc xả rác đâu vẫn hoàn đó.

Những lúc như vậy, thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Toản chụp hình, gửi lên nhóm kín trên mạng xã hội thông báo cho công nhân vệ sinh đến dọn dẹp những rác thải vừa được vứt xuống đường phố. Có khi, chính ông là người cầm chổi, quét và dọn dẹp trả lại sự sạch sẽ nơi người dân vừa xả rác.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội nhắc nhở một chủ hàng quán để rác đúng nơi quy định

Bên cạnh đó, những nhân viên như ông Toản sẽ trực tiếp sử dụng điện thoại thông minh để ghi hình những cá nhân, hàng quán có hành vi xả rác ra khuôn viên phố đi bộ.

Ông Toản bảo, kể từ ngày làm công tác đảm bảo vệ sinh tại khuôn viên phố đi bộ, bộ nhớ chiếc điện thoại của ông lúc nào cũng quá tải những hình ảnh ghi nhận tình trạng xả rác bừa bãi của những người dân kém ý thức.

Một lực lượng cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh phố đi bộ là đội ngũ công nhân dọn vệ sinh. Họ là những người trực tiếp xử lý mỗi khi được phố xuất hiện rác thải.

Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, ghi hình người vi phạm, ông Toản còn trực tiếp hỗ trợ công nhân thu gom rác

Chị Phan Thị Thảo, công nhân xí nghiệp 4, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết mỗi khi có thông báo những công nhân như chị phải nhanh chóng di chuyển đến vị trí có rác để tiến hành dọn dẹp.

“Chúng tôi phải đảm bảo khu phố được giao luôn sạch đẹp. Với những tuyến phố đông đúc, nhiều hàng quán, việc đảm bảo vệ sinh cho khu phố là rất khó khăn”, chị Thảo chia sẻ.

'Trái ngọt đầu mùa'

Việc ghi nhận việc ghi nhận các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định chủ được thực hiện thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng. “Cụ thể, khi kiểm tra các tuyến phố được giao, nếu phát hiện có trường hợp xả rác chúng tôi sẽ ghi hình và gửi tin về nhóm kín trên mạng xã hội .

Với du khách và người dân vi phạm, chúng tôi sẽ gọi CA khu vực, trật tự phường đến lập biên bản ngay. Còn với hàng quán có địa chỉ cụ thể thì đơn vị tổng hợp video gửi cho chính quyền xử phạt", ông Toản cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Toản, việc ghi hình lại hành vi xả rác của người dân là rất khó khăn. "Hành động xả rác diễn ra rất nhanh, khi rác đã nằm dưới đường mà không chụp được ảnh thì cũng không có căn cứ gì để nhắc nhở hay xử phạt họ.

Về nguyên tắc, chúng tôi không có quyền giữ người, lập biên bản nên việc này cần nhờ đến sự phối hợp của lực lượng chức năng”, ông Toản chia sẻ.

Mỗi tuyến phố đều có lực lượng công nhân có nhiệm vụ thu gom rác, đảm bảo vệ sinh khu phố

Lực lượng công nhân thu gom rác sẽ làm việc theo ca

Bên cạnh việc sử dụng điện thoại thông minh để ghi hình người dân có hành vi xả rác bừa bãi, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội còn bố trí 2 máy quay được đặt cố định tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay để ghi nhận những người dân có hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

Nơi đây cũng được dựng biển cảnh báo về hành vi xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt tiền theo quy định. Vị trí đặt máy quay đều là những nơi tập trung nhiều hàng quán, người bán hàng rong.

Cuối ngày, khi đoàn người tham quan đã vãn, những công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội vẫn tận tụy dọn dẹp những thứ rác thải còn vương lại. Chỉ đến khi không gian phố đi bộ hoàn toàn sạch sẽ, một ca làm việc của những người như ông Toản, chị Thảo mới kết thúc.

Chia sẻ về công việc thầm lặng nhưng rất ý nghĩa của mình, ông Toản cho biết bản thân cảm thấy rất vui khi chứng kiến không gian phố đi bộ ngày càng sạch đẹp và cảm thấy tự hào khi bản thân đóng góp một phần công sức cho thành quả đó.

Rác từ các con phố được tập trung chờ xe đến thu gom mang đi

“Những ngày đầu thực hiện chương trình, có một số trường hợp các hàng quán có thái độ không hợp tác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thái độ của họ cũng chuyển biến nhiều. Thậm chí những người bán hàng rong thời điểm hiện tại cũng chấp hành rất tốt. Hầu như ở vị trí những người ngồi bán hàng rong đều rất sạch sẽ”, ông Toản nói.

Còn chị Thảo thì cho biết: “Trước đây, tình trạng xả rác bừa bãi tại các tuyến phố đi bộ diễn ra hết sức phổ biến. Những người trực tiếp làm công tác thu dọn rác như chúng tôi rất vất vả.

Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện chương trình đến nay, nhất là khi quy định xử phạt về hành vi xả rác nơi công cộng được áp dụng thí điểm, người dân cũng có ý thức hơn. Lượng rác được xả bừa bãi ra khuôn viên phố đi bộ vẫn còn nhưng được giảm thiểu một cách đáng kể”.

Ngoài ra, phía Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội còn bố trí 2 camera ghi hình người vi phạm

Một cây làm chẳng nên non

Theo ông Đào Đức Khánh, Phó Trưởng phòng Kinh Doanh và Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, bên cạnh những hiệu quả bước đầu của chương trình trên, việc ghi hình, xử phạt các cá nhân có hành vi xả rác bừa bãi tại khu vực phố đi bộ cũng gặp nhiều khó khăn.

“Khó khăn thứ nhất liên quan trực tiếp đến vấn đề xử phạt. Phía Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chỉ có nhiệm vụ ghi nhận hình ảnh những người có hành vi xả rác không đúng nơi quy định

Bên cạnh đa số các hộ dân chấp hành tốt vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa chấp hành triệt để và không hợp tác.

Khó khăn tiếp theo là việc các đơn vị tổ chức sự kiện trong khuôn viên phố đi bộ khi tổ chức xong thường chưa có ý thức trao đổi lại với khán giả, những người tham gia có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Hình ảnh ghi nhận người vi phạm được lưu lại, gửi lên cơ quan chức năng làm căn cứ xử phạt

Quan sát tại các địa điểm tổ chức sự kiện chúng tôi thấy khán giả thường bỏ lại nhiều rác thải. Chúng tôi đã có nhắc nhở, khuyến cáo nhiều nhưng các đơn vị tổ chức sự kiện vẫn chưa thực sự hợp tác.

Thứ nữa là ở thời điểm hiện tại, số lượng các máy quay của công ty rất hạn chế. Trong khi đó, việc chụp hình để xử lý vi phạm là rất khó mà bắt buộc phải quay được clip”, ông Khánh cho biết.

Để tăng hiệu quả của việc thực hiện chương trình trên, ông Khánh cho biết phía Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cũng đã có một số ý kiến kiến nghị với chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Những "chiếc mắt thần" ghi hình người xả rác không đúng nơi quy định trên phố đi bộ

“Thứ nhất Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội kiến nghị quận Hoàn Kiếm cần tăng cường lực lượng của quận phối hợp với đơn vị trong việc xử phạt và lắp đặt thêm các biển báo theo khoảng cách khoảng 50m sẽ có 1 biển cảnh báo về việc vứt rác không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt.

Đồng thời, tăng cường, bổ sung thêm camera ở những điểm nóng để ghi hình tạo căn cứ cho lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt”, ông Khánh cho biết.

Chương trình thí điểm nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, phố đi bộ đã sạch đẹp trông thấy

Ông Khánh cung cấp thêm, sau khi hết thời gian 1 tháng thực hiện thí điểm chương trình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cũng kiến nghị với quận Hoàn Kiếm phía công ty và quận sẽ họp, rút kinh nghiệm và đề xuất mở rộng phạm vi thực hiện chương trình ra các tuyến phố cổ, tương lai xa sẽ cho thực hiện trên toàn bộ địa bàn của quận.

Những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cùng UBND quận Hoàn Kiếm đã có những tác động rất đáng kể tới nhận thức của người dân.

Kết quả của chương trình thí điểm trên xe được tổng kết, báo cáo và làm tiền đề trình các cấp có thẩm quyền xem xét, nhân rộng ra các quận khác trên địa bàn TP. Hà Nội

Đặc biệt hơn, chương trình thí điểm này còn thành công khi được chính những người dân ghi nhận. Ông Vũ Văn Bá (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi cũng được nghe qua báo đài về việc thực hiện ghi hình xử phạt người có hành vi xả rác bừa bãi tại khuôn viên phố đi bộ. Bản thân là một người dân đang sinh sống ở đây, tôi thấy chương trình này có nhiều tác động tích cực.

Vài tháng trở trước đây, khu vực bán kem Tràng Tiền, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…tình trạng xả rác diễn ra thường xuyên nhất là tại các quán xá, người bán hàng rong. Nhưng thời gian gần đây, vấn nạn xả rác đã giảm thiểu rõ rệt, phố phường sạch đẹp hơn trước rất nhiều”.

Tuấn Khang - Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/pho-di-bo-thay-ao-moi-va-nhung-chuyen-chua-ke-ve-biet-doi-choi-tre-66979-3.html